Do đó, khi nào có hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cử lực lượng kiểm dịch về địa phương để hỗ trợ, phối hợp.
Thời gian vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã đi kiểm tra và đánh giá 2 cơ sở xử lý vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngoài các cơ sở đã được công nhận ở Bắc Giang thì vụ vải năm nay sẽ có thêm 2 cơ sở tại Hải Dương. Hiện, tất cả các cơ sở đều đã sẵn sàng khử trùng vải thiều phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản. Các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… ở các địa phương đều đã sẵn sàng chuẩn bị xuất khẩu vải sang các thị trường.
Ngoài các doanh nghiệp đã từng hợp tác xuất khẩu vải trong những năm trước, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp để phối hợp với các địa phương trong việc đăng ký các mã số vùng thu mua phục vụ cho xuất khẩu.
Đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, các điều kiện về vùng sản xuất vải thiều và xông hơi, khử trùng đã được chuẩn bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản.
Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các huyện chỉ đạo mở rộng vùng sản xuất vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với 30 mã số vùng trồng, diện tích 219,4 ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn, thời gian dự kiến thu hoạch vải thiều xuất khẩu từ ngày 20/5 đến 10/7.
Để công tác xuất khẩu vải thiều tươi sang thị trường Nhật Bản năm 2021 được thuận lợi và bảo đảm yêu cầu về thời vụ thu hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Bắc Giang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tạo điều kiện bố trí chuyên gia lên giám sát vùng trồng vải xuất khẩu, việc xông hơi, khử trùng và công tác kiểm dịch thực vật tại tỉnh Bắc Giang trong thời gian thu hoạch vải phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Được biết, năm 2020, để xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật đã phải mời chuyên gia Nhật Bản sang giám sát quy trình xử lý khử trùng vải thiều. Chuyên gia đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình xử lý khử trùng vải thiều, một quy định bắt buộc khi xuất khẩu sang Nhật Bản.