Những cuộc mưu sinh trên cành sấu ngày hè04/06/2021 - 16:32:00 Khi những tiếng ve râm ran khắp các con phố là lúc sấu bắt đầu vào mùa. Đây cũng là thời điểm người lao động tự do kéo nhau về dọc các con phố của Thủ đô trèo hái sấu để mưu sinh. Công việc “hái tiền trăm, tiền triệu” trên ngọn cây nhưng phải đánh đổi bằng cả tính mạng để gồng gánh với cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Năm nay, khoảng giữa tháng 5, thợ hái sấu đã bắt đầu hoạt động. Những ngày này, đi dọc theo các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Phú, Bà Triệu... rất dễ bắt gặp hình ảnh người bán ngồi bệt trên vỉa hè, cạnh túi sấu to chào mời khách mua hàng. Cuộc mưu sinh mùa sấu đánh đổi bằng cả tính mạng Khi những tiếng còi xe thưa thớt dần, màn đêm tịch mịch buông xuống, người hái sấu với đồ nghề đơn giản là một cây gậy móc, bao tải bắt đầu trèo cây hái sấu. Anh Long, một thợ hái sấu nhiều năm trên đường Phan Đình Phùng cho biết: “Thời gian hái sấu thường bắt đầu từ 3h đến tầm sáng 5 - 6h sáng, vừa để tránh lực lượng chức chức năng, cũng để kịp lúc người dân đi làm ghé vào mua hàng luôn". Nghề hái sấu là công việc nguy hiểm, có tính thời vụ, số tiền vài trăm nghìn và cả triệu kiếm được là ván bài đánh cược bằng cả tính mạng. Cây sấu vốn giòn, cành sấu nhỏ rất dễ gãy; Hơn nữa những cây sấu trên các con phố của Hà Nội hầu hết đã được trồng nhiều năm, có cây cao lớn tới 30 - 40 m nên rất khó khăn cho người hái. Những “thợ sấu” chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, trèo hái không có đồ bảo hộ nên nguy cơ ngã, bị thương rất cao. Họ chọn công việc hái sấu vừa nguy hiểm, “lén lút”, lại không có bảo hiểm, công việc mà từ ngày xưa người ta vẫn gọi với thái độ không mấy thân thiện - “bọn trèo me, trèo sấu”, cũng chỉ vì hai chữ “mưu sinh” mà thôi. Khi chúng tôi hỏi những người bán sấu có sợ nguy hiểm không, nhiều người chỉ cười. “Trèo lâu thì quen thôi, phải cố gắng mà tận dụng chứ! Mùa sấu chỉ kéo dài tầm 2 - 3 tháng, nên chúng tôi phải cố gắng hái càng nhiều càng tốt, tranh thủ kiếm thêm thu nhập còn gửi về cho gia đình”, anh Long tâm sự. Trung bình mỗi ngày một người hái sấu có thể hái được từ 20 - 25kg sấu, những nhóm từ 3 - 5 người thì lượng sấu hái được nhiều hơn. Gia đình chị Hoài (quê ở Thanh Hóa) sẽ phân chia công việc, vào rạng sáng chồng chị hái sấu, sáng ngày thì làm thêm công việc khác như chạy xe ôm, lấy nước gạo,…; Còn chị sẽ bán sấu vào ban ngày, đến bao giờ hết thì mới về. Chị Hoài kể: “Năm nay vì dịch bệnh, ít người ra ngoài nên bán được ít hơn so với mọi năm, mà giá sấu cũng giảm. Như năm ngoái nhà chị bán 50 - 60 nghìn/kg sấu, nhưng năm nay dịch bệnh nên giá sấu đầu vụ là 40 nghìn/kg, bây giờ chỉ giao động trong khoảng 30 – 35 nghìn/kg thôi". Như vậy thu nhập trung bình một ngày của những người hái sấu từ 500 – 600 nghìn đồng, vào thời gian cao điểm có thể lên tới tiền triệu. Thợ hái sấu đều là những người lao động nghèo Công việc hái sấu tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập khá cao cho những người lao động nghèo như anh Long. Thu nhập từ một vụ sấu khoảng vài chục triệu đồng, là một khoản tiền lớn giúp họ trang trải cuộc sống hàng ngày. Anh Long vừa nhìn những túi sấu bày trên vỉa hè, vừa nói: “Làm cái nghề này vất vất vả tí nhưng cũng đáng, làm lâu rồi lại thấy yêu, thấy nhớ! Mà sấu cũng có phải ra quả quanh năm đâu, cứ tranh thủ được khoảng đầu tháng 5, tháng 6 hàng năm để kiếm thêm chút ít thôi. Lực lượng chức năng cũng nhắc nhở chúng tôi suốt, vì họ sợ mình trèo ngã thôi, chứ sấu để trên cây mãi nó cũng già đi, rụng xuống thì phí lắm". Hầu hết người hái sấu đề là những lao động từ các tỉnh lẻ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên, Nam Định,... Họ là những lao động chân tay tự do ở Hà Nội. Có người làm phụ hồ, có người làm lái xe, đánh giày,... chỉ khi mùa sấu tới, họ mới kéo nhau về dọc các con phố có sấu để mưu sinh. Hết mùa sấu, họ lại tiếp tục công việc trong năm của mình. Anh Hùng (32 tuổi, quê ở Thanh Hóa) làm nghề xe ôm, cứ vào vụ sấu anh lại nghỉ làm để đi hái sấu cùng với một số anh em trong nhóm. Nhờ vào việc hái sấu, anh mới có tiền trang trải cuộc sống và gửi tiền về quê cho các em ăn học. Anh Hùng cho biết, sấu chỉ hái được vào những ngày nắng, mưa xuống cây trơn không trèo được. “Hình như mấy hôm nữa là mưa đấy, phải tranh thủ ngày nắng hái thêm chút để còn bán kiếm tiền”, anh Hùng vừa bán hàng vừa kể với chúng tôi. “Sấu Hà Nội này được nhiều người chuộng lắm, chứ không phải như sấu rừng vỏ nó dày, xù xì, nước ăn chát, không được thanh và trong nước như sấu Hà Nội đâu. Chị nhìn xem, quả sấu này vừa mới hái, cuống vẫn còn ứa nhựa, cắn nghe giòn tan trong miệng, ăn đã lắm!” - Một người bán hàng hồ hởi chào hàng với khách. Chị Phương (25 tuổi, Ba Đình) cho biết: “Tôi thích sấu vì vị chúng thanh thanh, không gắt như quả chanh. Tranh thủ mùa sấu tôi phải ra tận cây để mua sấu tươi luôn, chứ ở chợ toàn sấu từ các tỉnh về, vị không ngon bằng sấu Hà Nội mình đâu. Mùa này mua sấu về vừa nấu canh, vừa pha làm nước uống cho cả nhà luôn". Sấu Hà Nội, một thức quà đặc trưng của Thủ đô, vừa là chiếc “cần câu cơm” của những người lao động nghèo. Thứ quả bình dị ấy là món quà của mẹ thiên nhiên, cũng là công sức mồ hôi cực nhọc, phải đánh đổi bằng cả tính mạng của người thợ hái sấu. Một mùa sấu nữa lại về, và những kiếp người mưu sinh lại tất bật vào vụ. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|