Đến cuối tháng 8, toàn ngành thuế thu được 53.771 tỉ đồng nợ thuế, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023 thực hiện
Đối với công tác đôn đốc thu hồi nợ thuế, cơ quan thuế phải triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc và công khai thông tin theo đúng quy định của luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Đối với người nộp thuế (NNT) có khoản tiền thuế nợ dưới 90 ngày, bộ phận thanh tra - kiểm tra chịu trách nhiệm kiểm soát dữ liệu và đôn đốc NNT nộp tiền thuế nợ vào NSNN, hạn chế các khoản nợ dây dưa, kéo dài.
Trường hợp đối với NNT có khoản tiền thuế nợ đã quá 30 ngày, cơ quan thuế thực hiện ban hành thông báo tiền thuế nợ gửi NNT bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử (eTax).
Đối với NNT có khoản tiền thuế nợ quá 60 ngày, công chức thuế phải thường xuyên liên hệ với NNT để nhắc nhở về việc nộp tiền thuế nợ và thông báo cho NNT biết về việc sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi có khoản nợ quá 90 ngày.
Cục thuế các địa phương tăng cường các biện pháp cưỡng chế và tạm hoãn xuất cảnh. Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà NNT chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào NSNN thì tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định. Xem xét áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định để tăng cường hiệu quả thu hồi nợ…
Ngành thuế đề nghị và khuyến khích NNT thực hiện cài đặt ứng dụng eTax Mobile để theo dõi tình hình nợ thuế và nhận được các thông báo của cơ quan thuế (thông báo nợ thuế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh...) để kịp thời hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Nguy cơ thất thu thuế cao mới áp dụng tạm hoãn xuất cảnh
Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều kênh thông tin cảnh báo nợ thuế, trong đó có thông báo qua ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile và cả nhắn tin tới NNT. Do đó, NNT nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế.
Tổng cục Thuế yêu cầu áp dụng tạm hoãn xuất cảnh theo quy định đối với NNT có khoản tiền thuế nợ quá hạn thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Cơ quan thuế ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) để đảm bảo việc tra cứu được dữ liệu tạm hoãn xuất cảnh trên website của ngành thuế và trên các ứng dụng eTax, eTax Mobile.
Trước đó, trả lời tại họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Tài chính mới đây, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, vấn đề tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đặc biệt là đối với cá nhân là đại diện pháp nhân của các đối tượng là doanh nghiệp có nợ thuế là quy định của pháp luật trong luật Quản lý thuế và luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Khẳng định tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong những biện pháp thu nợ thuế, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, nếu có các biện pháp khác thì không nhất thiết áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Thấy có nguy cơ cao thất thu thuế, biện pháp này mới thực hiện để đảm bảo lợi ích của ngân sách.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên cao cấp về thuế Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, đánh giá thời gian qua việc tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế có phần tràn lan; không có tiêu chí để phân biệt, không có ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh như doanh nghiệp nợ thuế bao nhiêu tiền, bị phạt bao nhiêu lần chậm nộp… thì bị tạm hoãn xuất cảnh.
Theo ông Tú, tạm hoãn xuất cảnh là cần thiết, nhưng phải tính toán cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ Tài chính cần rút kinh nghiệm và tiến hành sửa đổi. Phải đưa ra tiêu chí cụ thể, ví dụ trị giá tiền nợ thuế là bao nhiêu thì bị tạm hoãn xuất cảnh; doanh nghiệp đã bị phạt hành chính mấy lần rồi…
"Từ phía doanh nghiệp cũng cần tăng tính chủ động. Lãnh đạo doanh nghiệp không thể hoàn toàn ủy quyền cho bộ phận kế toán, phải có bộ phận để quản trị thuế, thông báo hàng tuần cho lãnh đạo doanh nghiệp...", ông Tú nhấn mạnh.