Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Động lực lớn từ dự án đường sắt tốc độ cao27/09/2024 - 08:45:00 Dự án đường sắt tốc độ cao vừa được Bộ Chính trị thông qua chủ trương đã mang lại những kỳ vọng lớn đối với ngành công nghiệp trong đó có công nghiệp hỗ trợ.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam ảnh vẽ Al. Nguồn ảnh: Chinhphu.vn Ngày 18.9, Bộ Chính trị thống nhất xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trước khi Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tiếp đó, ngày 25.9, tại buổi làm việc về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu lựa chọn kỹ lưỡng công nghệ, mô hình quản lý, vận hành tiến tới xây dựng ngành công nghiệp, dịch vụ đường sắt hoàn chỉnh và tự chủ. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn xây dựng và triển khai lộ trình tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt từ sản xuất trang thiết bị, vận hành, quản trị; bảo đảm đồng bộ, thống nhất về công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn. "Lấy phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt Việt Nam nói chung tạo cú hích cho các ngành cơ khí, chế tạo, tự động hóa… và các ngành công nghiệp khác phục vụ quốc kế, dân sinh" - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh. Dự án triển khai sẽ tạo cơ hội và động lực để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ. Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá: Dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam sẽ trở thành một trọng điểm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia. Với mục tiêu kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm, giảm thời gian di chuyển và tăng cường năng lực vận tải, dự án này không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp liên quan. Công nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vật tư, thiết bị và công nghệ để hoàn thành dự án này. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng và chế tạo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng đường sắt, bao gồm bêtông, thép, các cấu kiện hạ tầng như cầu, cống, đường hầm. Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất thiết bị kỹ thuật cao như đầu máy, toa xe, hệ thống điện và tín hiệu cũng cần phát triển mạnh mẽ. Những thiết bị này không chỉ đòi hỏi công nghệ tiên tiến mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Ngành công nghiệp sản xuất phần mềm và các giải pháp công nghệ sẽ có cơ hội phát triển khi tham gia cung cấp các giải pháp quản lý và vận hành thông minh, giúp tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu suất hoạt động của hệ thống đường sắt. Đường sắt tốc độ cao yêu cầu các thiết bị và công cụ đặc thù để thi công, lắp đặt và bảo trì. Điều này tạo điều kiện cho ngành cơ khí và chế tạo máy móc trong nước phát triển, khi các nhà thầu và doanh nghiệp phải sản xuất hoặc nhập khẩu các thiết bị phù hợp với yêu cầu kỹ thuật cao của dự án. Việc nội địa hóa các sản phẩm cơ khí cũng giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo việc làm cho người lao động. Riêng đối với ngành thép, tại hội nghị của Chính phủ với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước diễn ra hôm 21.9, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - nhấn mạnh tầm quan trọng của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 70 tỉ USD, đánh giá đây sẽ là công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia trong trung và dài hạn. Ông Trần Đình Long cũng khẳng định, Tập đoàn Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này. Ở góc độ doanh nghiệp, dự án có giá trị trên 70 tỉ USD, trong đó riêng phương tiện, thiết bị lên tới 34,1 tỉ USD sẽ là thị trường rất lớn và vô cùng hấp dẫn cho các doanh nghiệp có thế mạnh về sản xuất đầu máy, toa xe. Theo Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|