tham tử hà nội, tham tu ha noi, thue tham tu, thuê thám tử, dịch vụ thám tử, dich vu tham tu, văn phòng thám tử, công ty thám tử,

Phổ điểm tiếng Anh “lạ” bộc lộ sự chênh lệch, bất bình đẳng giữa nông thôn và thành thị

Chia sẻ: 

29/07/2021 - 07:53:00


Nhiều chuyên gia cho rằng, phổ điểm tiếng Anh “lạ” có 2 đỉnh thể hiện sự chênh lệch về trình độ ngoại ngữ giữa các thí sinh khu vực nông thôn và thành thị, giữa các nhóm thí sinh học tiếng Anh để xét tuyển đại học và nhóm chỉ cần thi qua tốt nghiệp.
 

Ngày 26/7, Bộ GD-ĐT vừa công bố điểm thi và phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT 2021.

Một trong những điểm bất thường năm nay thuộc về phổ điểm môn tiếng Anh, khi lần đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, môn này xuất hiện 2 đỉnh trong 1 phổ điểm. Đỉnh thứ nhất khoảng 4 điểm với hơn 29.500 thí sinh, đỉnh thứ 2 khoảng 9 điểm với hơn 24.000 bài thi.

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT cho rằng, phổ điểm thi “lạ” ở môn tiếng Anh là vấn đề thú vị, được nhiều chuyên gia giáo dục quan tâm và cũng cần được bóc tách để tìm nguyên nhân. Về mặt phương pháp, cần bóc tách dữ liệu chi tiết đến từng tỉnh, từng hội đồng thi ở các khu vực khác nhau trong một tỉnh. Có thể thấy nếu phân tích phổ điểm của TP.HCM sẽ thấy phổ điểm nghiêng hẳn về bên tay phải (phía điểm cao), biểu đồ không có 2 đỉnh. Với Hà Nội điểm tiếng Anh cũng khá, nhưng khi nhìn sang các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, phổ điểm nghiêng hẳn về bên trái (phía điểm thấp).

Bên cạnh đó, có những thí sinh thi môn tiếng Anh với mục đích chỉ để xét tốt nghiệp điểm thường thấp hơn những em đầu tư học để xét tuyển đại học bằng môn này.

“Cần phân tích cụ thể để tìm ra nguyên nhân dẫn đến phổ điểm “lạ” môn tiếng Anh sẽ có tác dụng rất lớn giúp Bộ đặc biệt là các Sở GD-ĐT có sự điều chỉnh công tác chỉ đạo, triển khai dạy học để chất lượng giáo dục được nâng lên”, TS Quách Tuấn Ngọc nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng, phổ điểm thi tiếng Anh năm nay thể hiện rõ sự chênh lệch về trình độ ngoại ngữ, cách dạy và học ngoại ngữ giữa vùng miền là rất lớn, nhất là khi học sinh phải chuyển sang học online do dịch bệnh. Nhiều học sinh khu vực miền núi gặp khó khăn khi thiếu internet, điện thoại thông minh. Điều này thể hiện rõ ở kết quả thi, khi số học sinh đạt điểm dưới trung bình môn tiếng Anh và số lượng các em đạt điểm cao cũng rất lớn. 

“Hiện nay dễ thấy các phụ huynh ở khu vực thành phố đầu tư vào tiếng Anh rất nhiều, em nào cũng có máy tính bảng, điện thoại thông minh, có thể học online với các giáo viên nước ngoài. Trong khi đó, học sinh nông thôn chủ yếu học qua SGK, chưa kể đến trình độ ngoại ngữ của giáo viên ở khu vực nông thôn, miền núi thấp hơn thành thị. Đây là bất công và bất cập rất mà ngành giáo dục cần giải quyết để hỗ trợ những thí sinh ở vùng khó khăn hơn”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết.

TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia TP.HCM  cho rằng, nhìn tổng thể có thể thấy đề thi các môn năm nay đều nhẹ nhàng hơn năm trước, do đó phổ điểm có xu hướng lệch dần sang bên phải nhiều hơn. Riêng môn tiếng Anh xuất hiện 2 đỉnh của phổ điểm.

“Về mặt kỹ thuật khi thấy một phổ điểm có 2 đỉnh thì có thể kết luận sẽ có 2 nhóm đối tượng cùng làm một đề thi. Nếu phân tích cụ thể, sẽ thấy 10 địa phương có điểm thi tiếng Anh cao chủ yếu là các thành phố lớn, 10 địa phương có điểm thi tiếng Anh thấp nhất tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc, vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hơn. Do đó, có thể nói rằng phổ điểm thi tiếng Anh có 2 đỉnh rõ rệt thể hiện rất cụ thể sự phân hóa giữa nhóm học sinh ở thành thị và nông thôn”, TS Vũ Thị Phương Anh nói.

Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao những năm trước, phổ điểm không thể hiện rõ sự phân hóa này, TS Phương Anh cho rằng, năm nay đề thi tiếng Anh dễ hơn những năm trước. Nếu đều thi khó, số lượng các thí sinh đạt điểm 8, 9, 10 sẽ rất ít, không thể  hiện rõ trên biểu đồ phổ điểm. Nhưng năm nay đề thi được điều chỉnh dễ hơn, nhóm thí sinh được điểm 9, 10 cũng tăng cao thấy rõ.

Chuyên gia giáo dục này cũng cho rằng, từ điểm thi môn tiếng Anh có thể thấy sự phân hóa rõ rệt, sự bất bình đẳng giữa các khu vực. Bởi nếu các môn học khác, học sinh học bằng tiếng Việt, khoảng cách giữa trình độ của giáo viên ở khu vực nông thôn và thành phố là không lớn. Thậm chí có rất nhiều giáo viên Văn, Toán ở nông thôn giỏi hơn giáo viên khu vực thành thị, nhưng ở môn tiếng Anh, thấy rõ sự chênh lệch về trình độ của giáo viên các vùng miền.

Bên cạnh đó, trong điều kiện dịch bệnh, việc học ngoại ngữ với một số nơi đã khó nay càng khó hơn về cả yếu tố kỹ thuật, trang thiết bị... Trong khi đó những học sinh thành phố lại thuận lợi hơn rất nhiều.

Theo TS Vũ Thị Phương Anh, việc học sinh thành phố giỏi tiếng Anh hơn không chỉ do vấn đề đầu tư giáo dục, mà còn ở điều kiện sống, môi trường kinh tế xã hội, khi các em phải sử dụng ngoại ngữ, giao tiếp với người nước ngoài nhiều hơn, công việc cũng yêu cầu cao hơn, từ đó năng lực ngoại ngữ cũng sẽ tốt hơn.

Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, khó nhưng đáng để phấn đấu

Từ câu chuyện điểm thi tiếng Anh, vấn đề đặt ra là làm gì để rút ngắn khoảng cách về trình độ tiếng Anh của học sinh giữa các vùng miền, nâng cao năng lực ngoại ngữ. TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng, đây không chỉ là vấn đề của Bộ GD-ĐT mà còn là vấn đề của từng vùng, từng địa phương.

“Ngành giáo dục hy vọng, mong đợi có thể giải quyết được nhưng lại không thể làm nếu không có sự đồng bộ từ các cấp. Nhưng với vai trò là cơ quan chủ chốt, phụ trách về đào tạo, Bộ cũng cần có những giải pháp để khắc phục sự bất bình đẳng trong giáo dục ở môn ngoại ngữ. Chúng ta không thể quên ngoại ngữ là chìa khóa để hội nhập và thăng tiến, ngay cả với những người nghèo cũng cần có cơ hội ngang bằng để tiếp cận ngoại ngữ trong giáo dục. Lâu nay ở khu vực nông thôn ngoại ngữ vẫn còn là một hạn chế, thậm chí đã có giai đoạn các trường cho học sinh thi một môn thay thế môn ngoại ngữ. Đến nay chúng ta đã có nhiều chính sách cụ thể nhưng vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả”, TS Vũ Thị Phương Anh thẳng thắn chỉ rõ.

Chuyên gia này cho rằng, việc đào tạo ngoại ngữ đang chạy theo thị trường, “nước chảy chỗ trũng” nơi nào cần thì học, vai trò điều tiết của cơ quan nhà nước chưa thực sự mạnh mẽ.

Đề xuất giải pháp, TS Phương Anh cho rằng, có thể tính đến việc đẩy mạnh bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, bên cạnh đó có thể thực hiện luân chuyển giáo viên từ các thành phố lớn về khu vực khó khăn hơn công tác trong một thời gian nhất định.

Cô Phương Anh cho biết, thực tế, chính sách luân chuyển giáo viên đã được thực hiện trước đây, nhưng còn gặp một số khó khăn do chưa có kế hoạch đồng bộ và chính sách đầy đủ. Nếu chỉ khen suông thì chưa đủ. Bởi lương giáo viên cả nước đều thấp chung, nhưng cơ hội để có thêm thu nhập từ những việc làm khác liên quan đến ngoại ngữ ở thành thị cho giáo viên cao hơn hẳn nông thôn.

Do đó, TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng, nếu coi việc rút ngắn khoảng cách về năng lực ngoại ngữ của học sinh giữa các vùng miền là mục tiêu quan trọng thì cần những chính sách mang tầm quốc gia, có đầu tư trọng điểm và sự vào cuộc không chỉ của ngành giáo dục mà của chính địa phương.

“Địa phương cần xác định rằng muốn phát triển kinh tế, đẩy mạnh giao thương, thu hút FDI, thì việc nguồn nhân lực có trình độ  ngoại ngữ là điều cần thiết.

Bộ Trưởng Bộ TT&TT nhiều lần nói về việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2, đến giờ chúng ta vẫn đang loay hoay cảm thấy khó, nhưng đây là mục tiêu đáng thực hiện. Vẫn cần một chính sách ngoại ngữ quốc gia, nhưng không thực hiện đại trà, mà cần có trọng tâm, trọng điểm”, TS Phương Anh nói./.

Theo VOV.VN
Ý kiến bạn đọc
captcha
công ty cổ phần phát triển đô thị Cổng thông tin tỉnh hải dương cổng thông tin hội đồng nhân dân

Lịch phát sóng

Giá vàng JSC
Khu vực Mua vào Bán ra
Ngoại tệ
Mã NT Mua TM Mua CK Bán
USD 23.00 23.00 23.00
SGD 17.00 17.00 17.00
JPY 159.90 161.52 169.28
GBP 29.00 29.00 30.00
EUR 25.00 25.00 26.00
CAD 17.00 17.00 17.00
AUD 15.00 15.00 15.00

Thông tin thời tiết

Dự báo thời tiết Hải Dương

Hôm nay, 29/12/2024

°C -°C

°C -°C

°C -°C
Theo TTKTTV