Quản lý di sản sau vinh danh10/01/2022 - 14:59:00 Trong cuộc trò chuyện với chuyên đề Tinh hoa Việt, với tư cách là Chủ nhiệm đề án, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, bày tỏ sự xúc động và vui mừng khi nghệ thuật Xòe Thái vừa được UNESCO ghi danh Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.Tuy vậy, ông cũng không khỏi băn khoăn khi đưa ra câu hỏi, chúng ta phải làm gì để phát huy hết giá trị của di sản sau vinh danh? Tiếp nối câu chuyện về văn hóa, đề cập tới Hội nghị văn hóa Toàn quốc vừa qua, ông cũng thẳng thắn cho rằng, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. PV: Xin chúc mừng ông về di sản phi vật thể Xòe Thái vừa được UNESCO ghi danh sau hành trình 2 năm ông và cộng sự nghiên cứu, làm hồ sơ đệ trình lên UNESCO. Ông có thể cho biết, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể Xòe Thái sau ghi danh, chúng ta phải làm gì? PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Như các di sản đã được ghi danh và vinh danh, đối với Xòe Thái chúng ta cũng có một chương trình hành động. Khi nói đến Xòe Thái chúng ta mới chỉ nghĩ tới đó là điệu múa của người Thái. Nhưng đối với sinh hoạt văn hóa dân gian, nó là một hiện tượng mang tính tổng thể nguyên hợp. Nghĩa là trong một hiện tượng văn hóa nhưng liên quan tới tín ngưỡng thờ Then của người Thái. Từ đó người Thái có múa thờ, sau đó chuyển thành múa trong đời sống của họ. Bao giờ nó cũng trải qua quá trình trần tục hóa như vậy. Để bảo vệ Xòe Thái, phải bảo vệ từ gốc là múa thờ, và bảo vệ múa thờ phải bảo vệ tục thờ. Và để bảo vệ tục thờ thì phải bảo vệ không gian nghi lễ, người thực hành nghi lễ và các nghi lễ Xòe Thái. Từ nghi lễ đó người ta biết tại sao Xòe Thái lại múa từ trái sang phải, tại sao lại múa thành vòng tròn… Và ngày nay ở cộng đồng những câu lạc bộ Xòe Thái cũng phải được bảo vệ, phát triển, nếu không một thời gian sau, cuộc sống xã hội quá xô bồ, tác động của quá trình toàn cầu hóa vào giao lưu văn hóa ở ngay chính trong nước thì truyền thống này sẽ phai nhạt. Thế nên, ý nghĩa vô cùng quan trọng của Xòe Thái là cho người Thái một ý thức sâu sắc hơn về những giá trị truyền thống của chính bản thân họ. Khi họ thấy giá trị văn hóa của mình rất đặc sắc khiến cho tổ chức UNESCO ghi danh thì họ sẽ có ý thức và bảo vệ di sản đó. Một trong những mục đích quan trọng nhất của UNESCO đối với việc ghi danh các di sản văn hóa là nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản của họ. Từ đó chính cộng đồng sẽ bảo vệ và phát huy di sản thì mới mang tính bền vững. Thưa ông, tới nay, chúng ta đã có 28 di sản văn hóa được UNESCO công nhận và ghi danh. Tuy vậy, di sản sau vinh danh vẫn là một bài toán chưa có lời giải. Phải chăng phát huy giá trị của di sản hậu vinh danh vẫn chưa được chú trọng? - Tôi cho rằng, câu chuyện di sản sau vinh danh không phải là chưa được chú trọng mà chúng ta chú trọng chưa đúng cách. Thực ra, từ năm 1998, chúng ta có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương khoá 8, văn hóa đã được quan tâm rất nhiều. Liên quan tới di sản, chúng ta có Luật Di sản văn hóa năm 2001, sau đó có sửa đổi về Luật Di sản văn hoá năm 2009. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có Luật Di sản văn hóa, luật của còn cập nhật các Công ước của UNESCO. Rồi chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa do Chính phủ ban hành, hay một loạt kế hoạch của các địa phương đầu tư cho văn hóa. Thậm chí chúng ta còn đặt các chỉ tiêu về phát triển văn hoá là 1,8%. Lần đầu tiên chúng ta có những chỉ tiêu rất cụ thể cho phát triển văn hóa. Trở lại với câu chuyện di sản sau vinh danh, ngoài 28 di sản văn hóa được UNESCO công nhận và ghi danh, còn có 61.000 di tích được cộng nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trên cả nước nước có tới 9.000 lễ hội. So với những gì chúng ta làm được thì việc phát huy những giá trị của di sản vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đặc biệt quan trọng nữa là chúng ta đang làm tương đối hình thức. Có nghĩa là chúng ta có những di sản được công nhận, được ghi danh, như Huế, Tháp Chăm, Vịnh Hạ Long… nhưng cách phát huy giá trị di sản như thế nào thì chúng ta đang gặp khó. Người ta nói mỗi di sản của chúng ta được công nhận có giá trị là 500 triệu USD với mỗi thương hiệu. Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở 500 triệu USD, mà mỗi di sản còn tạo ra nhiều tỉ USD cho đất nước. Nó trở thành chất liệu để chúng ta xây dựng thành những bộ phim, những bài hát, sản phẩm du lịch… đó là cái chúng ta thiếu. Chúng ta mới chỉ mang danh hiệu về cho đất nước, còn sử dụng thế nào, làm sao để cho phát huy được giá trị, lan tỏa giá trị của văn hóa Việt Nam ra thế giới với những biểu tượng văn hóa đó thì chúng ta chưa làm được. Vậy đâu là rào cản, thưa ông? - Theo tôi, rõ ràng đó là lỗi trong quá trình quản lý văn hóa. Trên thực tế, UNESCO rất quan tâm đến câu chuyện này. Chính vì thế trong các hồ sơ quốc gia đệ trình lên UNESCO, bao giờ phần sau cũng có chương trình hành động quốc gia để thực hiện việc ghi danh hay công nhận di sản. Vấn đề là nếu chúng ta thực hiện thành công các chương trình hành động thì cũng có nghĩa chúng ta đã quảng bá cho di sản, tức là chúng ta đã thực hiện được việc lan tỏa các giá trị văn hóa của di sản sang các giá trị kinh tế, giáo dục, chính trị… Đó là những vấn đề tồn tại, khiến cho chúng ta phải suy nghĩ, không chỉ riêng với di sản Xòe Thái, mà chúng ta nghĩ tới tất cả các di sản văn hóa Việt Nam. Tức là chúng ta cần phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng di sản, để di sản do ông cha ta để lại thực sự trở thành tài sản của xã hội ngày hôm nay. Tài sản này có thể lan tỏa ra các giá trị khác như kinh tế, giáo dục, xã hội và chính trị. Khi đó di sản mới có thể đóng góp một phần quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước. Thưa ông, Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua được coi như một Hội nghị Diên hồng về văn hóa theo tư tưởng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Bác Hồ. Xin ông cho biết những quan điểm chủ yếu trong xây dựng và phát triển văn hóa trong giai đoạn phát triển mới của đất nước? - Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 là một sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với văn hóa nước nhà. Đây là hội nghị văn hóa lớn nhất từ trước tới nay, huy động sự quan tâm của toàn xã hội đối với lĩnh vực văn hóa. Tại hội nghị này, các văn nghệ sĩ, tổ chức văn hóa nghệ thuật đã có nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế cho sự phát triển văn hóa đất nước, đặc biệt, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều thông điệp về phát triển văn hóa trong những năm sắp tới. Với tôi, đáng lưu ý nhất trong số này là những nhấn mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, đó là: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn”. Rõ ràng, nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn. Từ văn hóa kháng chiến, cứu quốc tới văn hóa kiến quốc, tư tưởng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã thực sự đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh cho dân tộc, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo điều kiện thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc bằng văn hóa, từ văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng là quan điểm đáng lưu ý trong bài phát biểu của Tổng bí thư: “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.” Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm – dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự dồi dào của hàng hóa – dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế chính là sức mạnh mềm văn hóa quan trọng của quốc gia, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống người dân, cũng như mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá đất nước. Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo. Chính vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần nhập cuộc với xu thế thời đại, vươn lên nắm lấy vị trí của một quốc gia có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Tôi cũng rất tâm đắc thấy rằng, trong bài phát biểu của Tổng bí thư, văn hóa số được nhắc lại 2 lần, và xem như một yếu tố mới trong phát triển văn hóa. Chúng ta đang nói nhiều đến xã hội số, nền kinh tế số và công dân số thì điều tất yếu sẽ là sự hình thành của văn hoá số. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Tình trạng phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, tiêu cực xã hội liệu có nguyên nhân từ sự xuống cấp văn hóa? Và theo ông, ngành văn hóa phải làm gì để đấu tranh ngăn chặn sự xuống cấp xã hội nghiêm trọng này? - Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Ở đây, chúng ta cần hiểu rằng, văn hóa chính là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, điều này cũng có ý nghĩa, dưới ánh sáng dẫn đường của văn hóa, chúng ta thấy những giá trị, ý nghĩa của cuộc sống. Đó cũng là định hướng đạo đức cho mỗi người và toàn xã hội. Không có sự dẫn đường của văn hóa, con người dễ lầm đường, lạc lối vào tính ích kỷ cá nhân mà quên đi giá trị tập thể, đề cao lợi ích vật chất mà coi nhẹ giá trị tinh thần, thiếu vắng giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những gì chúng ta đang chứng kiến trong việc khủng hoảng trong kinh doanh, nhà trường, ở gia đình có lý do từ văn hóa, và cũng từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa chung của xã hội. Tất cả chính là do sự thiếu điều tiết từ văn hóa. Để ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức của xã hội, văn hóa phải được xem là một trong số những giải pháp quan trọng. Tôi nghĩ, có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng việc chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Tiếp theo là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam để điều tiết sự phát triển con người toàn diện. Cùng với đó, chúng ta cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho sự phát triển đạo đức con người. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phát triển hơn nữa văn học, nghệ thuật để hình thành nên một nền văn hóa kiến quốc với nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Từ sau công cuộc đổi mới, kinh tế đất nước đã có những bước phát triển ngoạn mục, nhưng cũng có ý kiến cho rằng văn hóa có vẻ thụt lùi. Văn hóa nghệ thuật thiếu đất sống. Thị trường xuất bản ảm đạm... Ngoài nguyên nhân thiếu đầu tư vĩ mô (1,8 % GDP), theo ông còn có nguyên nhân gì? - Tôi không đồng ý với quan điểm văn hóa có vẻ thụt lùi mà chỉ thừa nhận rằng văn hóa chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta đạt được nhiều thành tựu trong phát triển văn hóa như đời sống văn hoá ở cơ sở đã có bước phát triển, thu hút đông đảo quần chúng lao động tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ văn hoá, các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới, đóng góp vào quá trình dân chủ hóa xã hội và sự phong phú, đa dạng của sản phẩm văn hoá, đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển bền vững đất nước. Giao lưu văn hóa với nước ngoài từng bước được mở rộng. Quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa nghệ thuật Việt Nam thông qua hoạt động xúc tiến văn hoá, thể thao và du lịch ở nhiều nước trên khắp các châu lục thế giới. Tuy nhiên, đúng là so với tiềm năng của kho tàng văn hóa mà cha ông ta đã để lại, cũng như kỳ vọng của những người yêu văn hóa đất nước, chúng ta còn cần làm rất nhiều điều để phát triển văn hóa đất nước. Chúng ta còn thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới. Môi trường văn hóa chưa thực sự lành mạnh khi còn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Nhiều ứng xử phản cảm, lệch chuẩn còn diễn ra trong xã hội. Sở dĩ có điều này vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Tư duy về phát triển và quản lý văn hóa chưa theo kịp thực tiễn phát triển văn hóa. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới... Để khôi phục hoạt động văn hóa nghệ thuật, để văn hóa trở thành động lực của sự phát triển xã hội, theo ông, chúng ta cần tập trung vào giải pháp nào? - Tôi cho rằng cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người, theo đó, phát triển văn hoá, xây dựng con người phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội. Văn hóa phải giữ vai trò điều tiết, định hướng sự phát triển đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế bằng mục tiêu nhân văn, hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa… Với phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước. Phát triển thị trường văn hóa nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa vận hành theo nguyên tắc thị trường, từ đó, định hướng cho người sản xuất văn hóa đáp ứng những nhu cầu đa dạng, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, cần chú ý đến tính đặc thù, tính độc lập tương đối của văn hóa với kinh tế. Đối mới phương thức đầu tư cho văn hóa, có cơ chế đầu tư trước thuế để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ văn hóa. Thực hiện bình đẳng trong đầu tư của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia hoạt động văn hóa trên cơ sở năng lực và hiệu quả xã hội của mỗi tổ chức. Tạo môi trường pháp lý để các doanh nghiệp kinh tế bảo trợ, tài trợ cho văn hóa. Bên cạnh đó, xác lập quyền lực mềm quốc gia bằng văn hóa, với các chính sách phát triển hợp lý, trên cơ sở các giá trị đặc sắc, lợi thế cạnh tranh của văn hoá Việt Nam, tạo sức đề kháng trước sự gia tăng sức mạnh mềm của một số quốc gia. Phát huy các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc có sức lôi cuốn và hấp dẫn đối với cộng đồng quốc tế, đồng thời tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới, đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới, làm phong phú thêm nền văn hoá dân tộc, bắt kịp sự phát triển của thời đại. Hàn Quốc là quốc gia rất thành công trong chiến lược “Văn hóa đi trước, hàng hóa theo sau”. Ông nghĩ gì về chiến lược này? Và Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ chiến lược đó? - Đây chắc chắn là một bài học kinh nghiệm để chúng ta có thể học hỏi. Tuy mỗi quốc gia có những điều kiện kinh tế, chính trị và văn hóa khác nhau nhưng những bài học đều sẽ rất đáng quý để chúng ta có thể áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chúng ta đã từng chứng kiến những bộ phim Hàn Quốc chinh phục khán giả Việt Nam để từ đó chúng ta yêu mến âm nhạc, ca sĩ, diễn viên, người mẫu, rồi thời trang, mỹ phẩm và mong muốn đi du lịch Hàn Quốc. Có thể thấy ban nhạc BTS đã lôi cuốn cả thế giới để tạo nên sức mạnh mềm của Hàn Quốc như thế nào. Chỉ riêng BTS thôi, báo cáo vào tháng 12/2018 của Viện nghiên cứu Huyndai ước tính mỗi năm, thương hiệu BTS đem lại 4,1 nghìn tỷ won (3,51 tỷ USD) cho nền kinh tế Hàn Quốc, khi giúp nâng cao hình ảnh các sản phẩm Hàn Quốc ra nước ngoài và thúc đẩy du lịch. Nghiên cứu của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc công bố trong mới đây cho thấy gần 90% người hâm mộ ban nhạc K-pop này ở 111 quốc gia khác tuyên bố họ muốn tới thăm Hàn Quốc trong tương lai. Sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế bằng và thông qua văn hóa thực sự khích lệ những người yêu văn hóa nghệ thuật Việt Nam mong muốn đóng góp công sức cho sự phát triển đất nước bằng chính tài năng của mình. Trân trọng cảm ơn ông! So với tiềm năng của kho tàng văn hóa mà cha ông ta đã để lại, cũng như kỳ vọng của những người yêu văn hóa đất nước, chúng ta còn cần làm rất nhiều điều để phát triển văn hóa đất nước. Chúng ta còn thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới. Môi trường văn hóa chưa thực sự lành mạnh khi còn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Nhiều ứng xử phản cảm, lệch chuẩn còn diễn ra trong xã hội. Sở dĩ có điều này vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Theo Đại đoàn kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|