Ngày 17-8, phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XV đã diễn ra tại Nhà Quốc hội. Trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự án Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi); báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội năm 2020; xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022…
Khắc phục tận gốc tình trạng “chạy” danh hiệu thi đua
Cho ý kiến về dự án Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đây sẽ là sản phẩm lập pháp đầu tiên của Quốc hội khóa XV. Việc sửa đổi cần bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng, khắc phục bệnh thành tích; đảm bảo công bằng giữa khu vực công và tư”. Chủ tịch Quốc hội khẳng định không khoan nhượng với tình trạng “chạy” danh hiệu thi đua và yêu cầu việc sửa đổi luật cần phải khắc phục được tình trạng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đặt ra các danh hiệu này, danh hiệu kia, dẫn đến tình trạng “muốn có danh hiệu gì đó thì đóng tiền là có”.
Các ý kiến trong UBTVQH ghi nhận và đồng tình với việc dự thảo luật đã hướng về cơ sở, quan tâm hơn đến người lao động là công nhân, nông dân, song đề nghị lưu ý thêm cả các đối tượng khác. Về vấn đề khen thưởng cho đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và một số thành viên UBTVQH cho rằng, các đại biểu Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH hiện đang “đứng ngoài quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng”. Đây là một trong những vướng mắc nhiều năm qua, cần nghiên cứu bổ sung.
Kết dư Quỹ BHXH ngắn hạn quá lớn là không bình thường
Qua thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, bày tỏ lo ngại về tổng số tiền nợ đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với năm 2019, chiếm 4,2% số phải thu (trong đó nợ lãi chậm đóng chiếm khoảng 26% tổng số nợ).
Nhiều ý kiến trong UBTVQH chia sẻ mối quan ngại của cơ quan thẩm tra và đề nghị các bộ ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH; có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH.
Một vấn đề đáng lưu ý khác được đề cập tại phiên họp liên quan đến việc quản lý, sử dụng Quỹ BHXH khi có tình trạng kết dư khá lớn của các quỹ ngắn hạn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bình luận: “Kết dư quỹ bảo hiểm ngắn hạn quá lớn là không bình thường. Chính phủ cần báo cáo chi tiết các mục chi, chứ không chỉ báo cáo gộp. Ví dụ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có 7 mục chi thì phải phân tích từng mục và rà soát lại tại sao để kết dư lớn thế để có sự điều chỉnh phù hợp”. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, bản chất Quỹ BHXH là quỹ đóng - hưởng, vì thế cần đảm bảo nguyên tắc chi đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng, không được phép sử dụng cho bất kỳ một mục đích nào khác, ngay cả y tế dự phòng (như mua vaccine hay trang thiết bị y tế) vì đó phải là khoản chi từ ngân sách nhà nước.
Khẳng định tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước đối với quỹ ngoài ngân sách lớn nhất này, người đứng đầu Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 2 tới đây, Quốc hội sẽ bố trí thảo luận về việc quản lý sử dụng quỹ, chứ không chỉ xem xét báo cáo.
Các địa phương còn 252.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dưChiều 17-8, tiếp tục phiên họp thứ 2, UBTVQH nghe các báo cáo, báo cáo thẩm tra về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.
|