Quyết không để đứt gãy sản xuất dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân, ngành nông nghiệp đang chủ động “đi trước đón đầu”, bảo đảm sản xuất tại những vùng có thể. Theo đó, trong mọi hoàn cảnh không để thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhất là vào dịp cuối năm.
Thị trường tiêu thụ hàng nông sản đang nhiều biến động khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, các địa phương, hợp tác xã, nông dân vẫn lên phương án đảm bảo duy trì sản xuất, nguồn cung hàng hóa. Điển hình như Hợp tác Tân Minh Đức ở Gia Lộc, Hải Dương hàng năm gieo trồng để có thu hoạch tập trung vào tháng 1, tháng 2 dương lịch.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc hợp tác xã cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án sản xuất theo kịch bản thay đổi cơ cấu giống để dàn đều thời gian thu hoạch ra các tháng, tránh tình trạng ùn ứ, ảnh hưởng đến giá bán.
Hay Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương gieo trồng chính là cà rốt. Ngoài việc xuất khẩu tới 80%, thì miền Nam là thị trường tiêu thụ chủ yếu từ 15 - 17%. Mặc dù, dự báo thị trường tiêu thụ những tháng cuối năm sẽ có nhiều bất ổn, nhưng trong vụ Đông năm nay, đơn vị vẫn không giảm diện tích trồng cà rốt.
Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hợp tác xã đã thông báo nông dân kéo dài trà gieo trồng, phân thành từng trà cách nhau để vẫn đảm bảo diện tích, sản lượng, thuận lợi cho tiêu thụ.
Với vùng sản xuất chuyên canh lớn, Hải Dương luôn duy trì 6.500 ha rau màu cho thu hoạch liên tục với sản lượng trung bình 50.000 tấn/tháng. Vụ Đông 2021, tỉnh sẽ gieo trồng 21.000 ha từ nay đến tháng 12 và thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 3/2022. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố và xuất khẩu.
Cũng sở hữu diện tích sản xuất rau màu lớn, Bắc Giang còn là địa phương có thế mạnh phát triển đàn gia súc, gia cầm ở miền Bắc. Bởi vậy, Bắc Giang đẩy mạnh tái đàn để đảm bảo nguồn thực phẩm cho tỉnh cũng như các địa phương khác. Kế hoạch sản xuất này nhằm đáp ứng thị trường trước dự báo lượng tái đàn thấp, có thể có một đợt khủng hoảng thiếu gia cầm vào dịp Tết, nhất là ở khu vực phía Nam.
Đã từng là tâm dịch lớn nhất của cả nước, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang chia sẻ, Bắc Giang đang tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng chống dịch.
Cùng với chủ động trong phòng chống dịch, Bắc Giang cũng rà soát, đánh giá các nguy cơ để tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu thụ an toàn.
Với mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu, chế biến và kinh doanh, xuất khẩu rau quả, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, DOVECO vẫn đảm bảo được nguồn cung, chuỗi sản xuất, chế biến rau củ quả tại các vùng nguyên liệu. DOVECO đã triển khai các biện pháp chặt chẽ trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Ông Đinh Cao Khuê cho biết, DOVECO cam kết cung cấp đầy đủ rau quả tươi, chế biến, rau xanh với giá hợp lý, chất lượng cao, không để xảy ra khan hiếm cục bộ lương thực, thực phẩm. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng lên, để có giá cạnh tranh, công ty phải có phương pháp quản trị tốt, từ lao động đến quy trình kỹ thuật, vật tư phân bón. Làm tốt tất cả các khâu, công ty mới có thể tối ưu về sản phẩm, cả về giá thành đầu ra lẫn chất lượng.
Khi dịch còn diễn biến phức tạp, chi phí vận chuyển, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, để chủ động giảm giá thành trong sản xuất, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, nông dân cần đẩy mạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất như: “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, IPM…; Cơ quan chuyên môn địa phương cần tiếp tục hướng dẫn người dân để giảm chi phí sản xuất, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ.
Cục đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành thường xuyên bám sát kế hoạch sản xuất, tình hình dịch hại để thông báo cho các địa phương các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Hiện giá các sản phẩm chăn nuôi đang ở mức rất thấp, người chăn nuôi thua lỗ nặng, để giúp người dân tái sản xuất, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ Công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ xem xét một số giải pháp.
Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và lùi thời gian đóng thuế thu nhập cho các doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, giết mổ, trang trại trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thiết bị chuồng trại chăn nuôi… nhằm giảm giá thành sản xuất. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi, giết mổ gia súc áp dụng “3 tại chỗ”, chi phí vật tư sản xuất chăn nuôi.
Đối với khu vực sản xuất, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, thích ứng với tình hình dịch bệnh, thị trường và khí tượng thủy văn. Từ đó, đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng tỉnh và toàn vùng trong mọi tình huống thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, các địa phương tập trung chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản cây ăn trái, chủ động rải vụ thu hoạch, chủ động điều chỉnh năng suất, sản lượng cây trồng.
Các địa phương cũng chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất rau màu chuẩn bị cho Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, hạn chế tình trạng khan hiếm rau, củ, quả phục vụ nhu cầu tại địa phương và đủ hàng hóa cung cấp cho thời gian bình thường mới.