Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết ngay khi 2 văn bản này ban hành, Sở Y tế TP HCM đã họp với các đơn vị y tế trên địa bàn. Hầu hết các cơ sở này đều đánh giá Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã giải quyết khoảng 80% vấn đề mua sắm TTBYT, vật tư, hóa chất. Theo ông Nam, việc thanh toán BHYT đối với các dịch vụ thực hiện bằng "máy đặt, máy mượn" đã được tháo gỡ nhưng về lâu dài cần sớm đưa nội dung này vào luật.

Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, cũng khẳng định các hướng dẫn mới đã giải quyết được khó khăn trước mắt. Ông Hùng đề xuất phải có cơ chế, quy định dài hơi hơn, không để việc mua sắm TTBYT lại gặp khó khi hết năm 2023. Đối với một số máy móc, hóa chất độc quyền chỉ có 1-2 doanh nghiệp cung ứng thì nên bỏ đấu thầu mà hướng tới việc đàm phán giá.

Một trong những tháo gỡ quan trọng được quy định tại Nghị định 07 là quy định chỉ thực hiện kê khai giá đối với TTBYT khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp TTBYT, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ BHYT. Với hướng dẫn này, các bệnh viện và đơn vị kinh doanh TTBYT đều đồng tình, song một số cơ sở y tế vẫn băn khoăn về việc giá thiết bị như thế nào được coi là phù hợp?. "Thực tế, có máy nhập về giá bán ra phải cao hơn 2-3 lần mới đủ bù các chi phí, mới có lãi vì nhập rất ít và chỉ có một nhà cung cấp. Với giá bán ra như vậy thì có phải là hành vi "thổi giá" không?" - đại diện đơn vị nhập khẩu TTBYT nêu câu hỏi.

Trả lời thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 07 để các đơn vị kê khai và tham chiếu trong xây dựng giá gói thầu mua sắm TTBYT. Các bệnh viện, doanh nghiệp khi thực hiện có vướng mắc, khó khăn thì báo cáo, đề xuất giải pháp, Bộ Y tế sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan để giải quyết những vấn đề phát sinh.