Công văn của Bộ GTVT nêu rõ, công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe (bằng lái xe) có sự ảnh hưởng lớn đến xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đơn vị vận tải, an toàn giao thông, tai nạn giao thông và luôn luôn tiềm ẩn vấn đề có thể xảy ra tiêu cực.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao hơn nữa về chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp, đổi bằng lái xe và thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ GTVT đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, UBND cấp huyện triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt chẽ trong đào tạo, sát hạch, cấp, đổi bằng lái xe.
Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cả nước hiện có hơn 140 trung tâm sát hạch lái xe ô tô nhà nước, gồm 51 Trung tâm loại 1 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến các hạng F); 90 Trung tâm loại 2 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng C). Các trung tâm được xây dựng theo quy chuẩn, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất như phòng sát hạch lý thuyết, phòng điều hành thiết bị sát hạch thực hành lái xe, sân sát hạch, xe sát hạch và các hạng mục công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe, được lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động sát hạch lý thuyết và thực hành lái xe, hệ thống loa, màn hình tại phòng chờ để công khai quá trình và kết quả sát hạch của từng học viên.
Ngoài ra, cả nước có khoảng hơn 300 cơ sở đào tạo lái xe ô tô theo mô hình xã hội hóa. Hệ thống cơ sở đào tạo lái xe đã tăng cả về số lượng và chất lượng; hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giáo viên, xe tập lái, sân tập lái của cơ sở đào tạo lái xe được đầu tư, củng cố, tăng cường, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, phù hợp thực tiễn.