Chiều 19-7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết thời gian qua TP đã triển khai việc bình ổn thị trường đạt hiệu quả khi giá cả hàng hoá tăng đột biến.

Mở lại chợ truyền thống sẽ khó có việc tăng giá

Theo ông Phương, có thời điểm giá gạo tăng dù gạo không thiếu, mặt hàng trứng gia cầm cũng tăng rất cao. Ông Phương đã gọi về các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng hỏi nguồn trứng và được cho biết giá cả ở đó đã cao rồi, tức giá cả có sự liên thông do thị trường quyết định.

thuc-pham-tphcm
Người dân TP.HCM mua sắm tại siêu thị. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Khi kiểm tra thì hàng hoá không thiếu nhưng giá tăng thì chỉ có vấn đề do thông tin chưa chính xác, cũng có khả năng đầu cơ” – ông Phương nhìn nhận.

Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, hiện nay hệ thống phân phối đã phát triển, tương đối đáp ứng yêu cầu thị trường. “Với năng lực cung ứng hàng hoá như vậy, vừa qua, không có tình trạng sốt giá như trước đây” – ông Phương nói.

Ông tiếp lời: “Việc tăng giá như những ngày vừa qua hoàn toàn không liên quan đến việc đầu cơ, tích trữ mà liên quan đến khó khăn của hệ thống phân phối trong tình hình dịch bệnh, nên hệ thống phân phối trục trặc, các chuỗi chợ truyền thống tạm ngừng hoạt động rất nhiều…”.

Ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin các hệ thống phân phối hiện tại cố gắng giữ giá cả mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu đúng như đăng kí, nhưng có tình trạng người dân vào hệ thống phân phối mua ra ngoài bán.

TP.HCM sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp thu gom hàng hoá, nâng giá. Ông tin rằng, với việc mở lại các chợ truyền thống, đưa hàng hoá về nhiều hơn thì tình trạng giá cả tăng cao sẽ khó xảy ra hơn.

TP.HCM sẽ vận chuyển hàng hoá bằng tàu

Cũng tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Nguyên Phương đánh giá, hôm nay tình hình mua sắm của người dân đã giảm rõ, áp lực đối với hệ thống phân phối đã tương đối tạm ổn.

Theo ông Phương, chiều nay (19-7), Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng đã ký văn bản triển khai mở cửa trở lại đối với một số chợ truyền thống trong điều kiện dịch bệnh với yêu cầu đảm bảo công tác phòng chống dịch. Trong đó, tập trung thí điểm cho mặt hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu; sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng.

 
 

thuc-pham-tphcm
Người dân TP.HCM mua sắm tại siêu thị. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sáng nay TP.HCM có 40 chợ truyền thống hoạt động nhưng đến chiều nay đã tăng lên 44 chợ; tích cực nhất là quận Bình Tân đã mở tới năm chợ. Ông Phương đánh giá, sắp tới đây tiến độ mở cửa hoạt động của các chợ truyền thống sẽ nhanh hơn.

Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin, tại các hệ thống phân phối hiện đại đã giảm áp lực mua sắm nên có có thời gian điều phối lại các phương án bán hàng trực tiếp, trực tuyến, bán hàng theo gói để giảm thời gian mua sắm. Chẳng hạn hệ thống Bách Hóa Xanh đã công bố 35 cửa hàng phục vụ người dân 24/24 giờ và sẽ mở rộng hơn.

Đối với phương án cung ứng hàng hoá khi 19 tỉnh phía Nam đồng loạt giãn cách theo Chỉ thị 16, ông Nguyễn Nguyên Phương nhìn nhận trước khi diễn ra việc này thì TP.HCM đã gặp khó khăn về việc mua hàng hoá.

Do đó TP đã có đề xuất với các bộ, ngành, có sự thống nhất các hướng giải quyết nhưng khi triển khai thực tế tại các địa phương thì có sự máy móc, cứng nhắc, gây ảnh hưởng đến việc thu mua vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp. “Chúng tôi rất lo lắng trong tình hình các tỉnh cùng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16” -  ông Phương nói.

Theo ông Phương, điều đầu tiên TP.HCM phải làm là rà soát lại toàn bộ nguồn cung ứng. Các doanh nghiệp phải báo cáo ngay với Sở các khó khăn, khả năng bị giảm nguồn cung. Với nỗ lực của hệ thống phân phối, mạng lưới thu mua của các doanh nghiệp đã đáp ứng yêu cầu, có một số nhà cung cấp dự phòng để tiếp tục đảm bảo nguồn cung.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đã báo cáo với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, liên hệ Sở công thương các tỉnh miền Trung, miền Đông, Tây Nguyên nhờ hỗ trợ cung cấp danh sách các nhà cung ứng, đơn vị sản xuất lương thực thực phẩm, có khả năng cung ứng cho TP.

TP.HCM cũng tính toán lại cung đường, khó khăn trong lưu thông hàng hoá, đề xuất thêm phương án vận chuyển hàng hoá bằng tàu.

Sáng nay hai chuyến tàu đầu tiên do một đơn vị hỗ trợ chuyển công năng vận chuyển hành khách thành vận chuyển hàng hoá cho TP. Đồng thời, vận động nhiều doanh nghiệp logictics có năng lực, cơ sở vật chất, phương tiện nhưng đang tạm ngừng hoạt động, sẽ tích cực tham gia kết nối việc cung ứng hàng hoá về TP.