Nguy cơ tai nạn “rình rập” mọi lúc, mọi nơi
Vào kỳ nghỉ hè hàng năm, cả nước ghi nhận hàng chục trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích dẫn đến tử vong như đuối nước hay nhiều trường hợp trẻ phải nhập viện do bị tai nạn, chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày. Những chấn thương này nếu không được cấp cứu hoặc xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tâm lý sau này của trẻ nhỏ.
Theo TS.BS Hoàng Hải Đức – Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những ngày đầu tháng 6 vừa qua, Khoa đã tiếp nhận 14 bệnh nhi, độ tuổi từ 2-9 tuổi nhập viện điều trị với những chấn thương khác nhau.
Cụ thể, ngày 3/6, một bé trai 6 tuổi, ở Nghệ An được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng 4 ngón tay phải bị đứt rời. Gia đình cho hay, trẻ được nghỉ hè nên ra cửa hàng bán trà sữa của gia đình chơi. Tối 2/6, trong khi mẹ đang mải bán hàng không để ý, trẻ đã cho ly thủy tinh uống nước của mình vào máy dập trà sữa.
Do kích cỡ của ly thủy tinh nhỏ hơn so với ly trà sữa nên bị lọt xuống phía dưới, trẻ thò tay vào để chỉnh ly thủy tinh đúng lúc máy đang dập, khiến trẻ bị đứt rời 4 ngón tay của bàn tay phải.
Ngay sau tai nạn, gia đình đã bảo quản phần đốt ngón tay bị đứt lìa vào hộp đá và đưa trẻ đến trạm y tế gần nhà để sơ cứu và cầm máu, sau đó trẻ tiếp tục được chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh. Rạng sáng cùng ngày, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và tiếp tục điều trị.
Một trường hợp khác nhập viện điều trị gần đây là bé Nguyễn Minh (6 tuổi, ở Hà Nội). Tai nạn xảy ra khi bố của bé đang tập thể dục bằng máy chạy bộ tại nhà, trẻ đưa tay nghịch máy nhưng bố không để ý, khiến tay trẻ bị chà sát mạnh vào dây curoa và nhiệt của máy tập làm trẻ bỏng, trượt da mu bàn tay phải.
Là người điều trị trực tiếp cho bệnh nhi, Ths.BS CKII Lê Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Chỉnh hình nhi cho biết, trẻ nhập viện với chẩn đoán bỏng sâu độ IV mu bàn tay phải đốt I, II, III, IV, có dấu hiệu hoại tử da do bị chà sát mạnh vào dây curoa và nhiệt của máy tập. Sau khi nhập viện, trẻ được điều trị và chăm sóc vết thương hàng ngày, sau đó tiến hành phẫu thuật ghép da mu bàn tay.
Trước đó, ngày 28/5, ở Long An có trường hợp, người mẹ phát hiện con gái 15 tháng tuổi đang ngậm trong miệng mảnh dao lam vụn, tay cầm các mảnh khác lấy trong sọt rác ra. Nghi ngờ bé đã nuốt nhiều miếng khác, người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ê-kíp cấp cứu đã nhanh chóng hỗ trợ hô hấp, cho bé thở oxy.
Hình ảnh chụp X-quang cổ, ngực, bụng phát hiện các mảnh kim loại di chuyển nằm rải rác trong dạ dày, từ ruột non đến ruột già. Qua hội chẩn, các bác sĩ cho bé xổ bằng thuốc và bơm hậu môn, sau đó chờ 24 giờ để dị vật ra ngoài theo đường tự nhiên.
Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều trường hợp bị tai nạn thương tích trong sinh hoạt hàng ngày mà trẻ em có thể gặp phải
Canh cánh nỗi lo tai nạn thương tích ở trẻ trong mùa hè
Nghỉ hè, các con được nghỉ ngơi, vui chơi nhưng phụ huynh thì lại luôn tất bật nhiều việc, từ công việc cơ quan đến công việc nhà, khó có thể sắp xếp thời gian bên cạnh để vui chơi và quan sát con cái thường xuyên. Vì vậy, khó khăn trong việc quản lý con trong dịp hè là vấn đề đau đầu muôn thuở của các phụ huynh.
Chị Hoàng Thu Trang (ở Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị có 2 cậu con trai (6 tuổi, 8 tuổi) rất hiếu động. Hàng năm, cứ vào dịp hè, vợ chồng chị lại gửi con về quê chơi với ông bà nội, ngoại, nhưng năm nay do dịch Covid-19 phức tạp nên các con chị ở lại Hà Nội cùng bố mẹ. Việc quản lý con cái trong thời gian này là vấn đề mà anh chị khá lo lắng. Để yên tâm làm việc, hàng ngày, chị thuê một “bảo mẫu”, trông coi và phục vụ các con ăn, uống từ sáng đến chiều tối. Mặc dù phát sinh thêm một khoản chi phí tương đối lớn nhưng vợ chồng chị đành “bấm bụng” để bảo đảm sự an toàn cũng như sức khỏe cho các con mình.
Cũng có hoàn cảnh tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Hồng Thúy (ở Trung Hòa, Cầu Giấy) cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hai con của chị được nghỉ hè sớm, không thể gửi con về quê, chị Thúy đã xin nghỉ làm không lương 2 tháng nay để ở nhà với con. Mọi chi phí trong gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào tiền lương của chồng chị.
Hai con trai của chị (5 tuổi và 9 tuổi) rất nghịch ngợm, chị lo lắng, nếu không ở nhà và quan sát con thường xuyên thì rất có thể sẽ xảy ra những vấn đề bất trắc không thể lường trước được.
Hàng năm, đặc biệt vào dịp hè, Khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện do tại nạn sinh hoạt với các mức độ khác nhau. Phần lớn bệnh nhi nhập viện đều trong tình trạng nặng, thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi với các chấn thương khác nhau. Không ít trường hợp thương tổn nặng khó chữa lành, như đứt lìa ngón, cánh tay, bàn tay, bàn chân, ngón chân, thậm chí có trường hợp tai nạn gây nguy hiểm tới tính mạng. Nhiều trường hợp cấp cứu muộn do cha mẹ e ngại dịch bệnh.
Trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh, tuy nhiên, lại chưa có ý thức và kỹ năng phòng, tránh rủi ro có thể xảy ra nên rất dễ gặp phải tai nạn. Mặc dù nhiều biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã và đang được thực hiện, nhưng tình hình trẻ nhập viện do tai nạn thương tích vẫn chưa giảm.
Bác sĩ Hoàng Hải Đức khuyến cáo, tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường đến bất ngờ, khó lường trước, gây ra những thương tổn trên cơ thể các em. Để nghỉ hè không còn là nỗi ám ảnh của trẻ, phụ huynh cần lưu ý, các đồ đạc hay thiết kế, dụng cụ phải ngăn nắp gọn gàng. Những đồ dễ vỡ hay ổ điện cần phải tránh xa tầm với của trẻ. Khi cho con ra ngoài chơi, luôn phải trong tầm quan sát của bố mẹ. Đào tạo, hướng dẫn cho trẻ có những kỹ năng để biết cách phòng chống những tai nạn thương tích trong sinh hoạt.
“Ngoài ra, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần đánh giá, xem xét, bao quát môi trường sống của con, chú ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ. Ví dụ như các đồ vật thủy tinh, vật sắc nhọn; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như nước sôi, nồi canh, nồi cơm điện đang sôi… gần khu vực trẻ chơi”, bác sĩ Hoàng Hải Đức nói.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, cần phải hết sức quan tâm, chú ý đến trẻ, nhất là trong dịp trẻ được nghỉ học ở nhà để phòng, tránh dịch Covid-19 như hiện nay. Tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong môi trường có nước; cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn.
Đối với các trẻ nhỏ, hãy đảm bảo trẻ luôn ở trong tầm mắt của mình bởi chỉ cần một phút lơ là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Khi không may xảy ra tai nạn, dù là tai nạn nhỏ cũng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, xử trí kịp thời các vết thương, loại trừ các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ./.