Tăng trưởng hai con số: Nấc thang tiến vào kỷ nguyên vươn mình08/01/2025 - 14:06:00 Các chuyên gia nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 mức 2 con số vừa là động lực, vừa là áp lực, là bước chuyển lớn để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.
Ngay thềm năm mới Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Ðầu tư xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2025 phấn đấu ở mức hai con số và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả để thực hiện thành công mục tiêu này. Đây được coi là nền tảng quyết định để đến năm 2045 người dân Việt Nam có được mức sống của quốc gia có thu nhập cao. Tăng trưởng hai con số là bước chuyển lớn Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu duy trì được tăng trưởng hai con số, đến năm 2045 quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay. Và như vậy, Việt Nam sẽ hoàn thành quá trình đi từ một nước nghèo, thu nhập thấp, sau 40 năm đổi mới đã bước qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp, đến năm 2025 đạt thu nhập trung bình để hướng tới năm 2030 có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là thu nhập cao. Vì vậy, tăng trưởng hai con số là bước chuyển lớn để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình. Đặc biệt, 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. "Đây không chỉ là thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước", chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong nhận định. Theo ông Phong, khát vọng này vốn đã được thể hiện rất rõ trong năm 2024, khi Thủ tướng và Chính phủ đặt quyết tâm rất lớn, chỉ đạo rất sát để tăng trưởng GDP vượt mục tiêu được Quốc hội giao. Cụ thể, năm 2024, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là 6-6,5%, tuy nhiên Chính phủ quyết tâm đạt mức 7%. Và kết quả cuối cùng là con số tăng trưởng 7,09% - chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019, 2022 trong giai đoạn 2011-2024. "Chỉ số tăng trưởng trong năm 2024 sẽ là nền tảng, tạo đà nền kinh tế 2025 phát triển, trong đó có mục tiêu tăng trưởng 2 con số mà Thủ tướng giao", ông Phong nói. Chuyên gia phân tích thêm, năm 2024, mặc dù chịu tác động bởi những bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu, song nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt những kết quả rất đáng tự hào với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Có thể nói tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2024 là thành công kép, không chỉ về số lượng chỉ tiêu đạt được mà còn tác động tích cực, tạo bản lề cho năm 2025. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lạc quan cho rằng, sang năm 2025, nếu chúng ta thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng điểm như tinh giản bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục phát triển mạnh mẽ thì hoàn toàn có thể duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam. "Nếu Việt Nam tận dụng tốt lợi thế này, đồng thời có sự chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn, đáp ứng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, bảo đảm các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế thì có thể sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo", ông Thành phân tích thêm. “Trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đầu tư hấp dẫn. Đã có gần 40 tỷ USD vốn nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam, trong đó có những "ông lớn" như NVIDIA đã cập bến, tạo dấu mốc lịch sử hay Google cũng lên kế hoạch...Đặc biệt, vốn FDI giải ngân cao nhất từ trước đến nay, đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài với môi trường kinh doanh của nước ta. Đó cũng là cơ sở để ta tin tưởng mục tiêu chiến lược tăng trưởng hai con số trong năm 2025 dù khó nhưng vẫn có thể hoàn thành”, ông Thành nói. Áp lực để tạo kim cương Dù coi con số tăng trưởng ấn tượng của năm 2024 là động lực cho năm 2025 nhưng các chuyên gia thừa nhận, đây là mục tiêu rất lớn, cần nắm bắt, tận dụng mọi thời cơ, biến khó khăn thành hành động. Trước đó, tăng trưởng GDP 3 năm 2021 - 2023 khá thấp, lần lượt là 2,58%, 8,02% và 5,05% do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vì thế 2025 phải là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Trong khi đó, tăng trưởng hai con số lại là thách thức lớn bởi những yếu tố bên ngoài như xuất khẩu dù rất tích cực nhưng vẫn phải phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Trong những năm tới, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực dự báo vẫn diễn biến phức tạp, bất định, khó lường, tác động nhiều mặt tới kinh tế nước ta. Theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, bên cạnh những con số ấn tượng đã đạt được, nền kinh tế nước ta năm vừa qua còn một số mặt hạn chế như đầu tư công chỉ đạt 84,7% kế hoạch, thấp hơn con số đạt được trong năm trước. Về du lịch, mặc dù thu hút được 17,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam - bằng 98% so với năm 2019, thời hoàng kim của ngành - và thu về khoảng hơn 12 tỷ USD nhưng khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài đạt 5,3 triệu lượt, với mức chi tiêu vượt cả con số khách du lịch nước ngoài chi tiêu tại Việt Nam. Điều này dẫn đến con số nhập siêu về du lịch khoảng 0,38 tỷ USD. Đối với doanh nghiệp, chỉ số PMI chỉ có 3 tháng cuối của 3 quý đạt ngưỡng 50 điểm, điều này cho thấy doanh nghiệp còn đang rất khó khăn về tìm kiếm thị trường đầu ra, về tài chính thậm chí cả khó khăn về tuyển dụng lao động. Những điều trên cho thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số thì cần phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng các năng lực, tiềm lực. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, chưa bao giờ Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 2 con số. Tính từ năm 1990 trở lại đây thì năm 1995 đạt được mức tăng trưởng cao nhất là 9,5%, năm 1996 đạt 9,3%. Việc đạt tốc độ tăng trưởng cao ngày càng khó do sau giai đoạn dịch bệnh, không khí trầm lắng hơn. Doanh nghiệp vẫn đang khó khăn, người dân vẫn chưa thoải mái tiêu dùng trở lại. Tuy vậy, ông Cung cho rằng đây cũng là lúc doanh nghiệp rất muốn làm ăn, muốn đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn khó khăn. Nếu giải tỏa được tâm lý này, khơi dậy được mong muốn làm việc thì chúng ta hoàn toàn kỳ vọng về một tốc độ bứt phá. "Nhưng nếu chỉ theo hiệu ứng lò xo, cộng với quyết tâm thì có thể đạt trên 7-8%, chứ khó có thể đạt ngay được mức hai con số", ông Cung cảnh báo. Cần quyết tâm chính trị cao nhất Đó là yếu tố tiên quyết, bắt buộc phải có để tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng giao. TS Bùi Kiến Thành nhấn mạnh: “Cả hệ thống chính trị phải chung sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện. Đồng thời phải tiếp tục tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp trong nước và cả thế giới để Việt Nam tiếp tục được chọn là điểm đến đầu tư hấp dẫn”. Ông Thành cũng cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế thì cần thực hiện tốt chính sách tinh gọn bộ máy Nhà nước, đây sẽ là cơ sở để kinh tế phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, đạt nhiều kết quả tốt hơn trong năm 2025 và những năm tiếp theo. TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm, Chính phủ phải nắm bắt thời cơ, cơ cấu lại nền kinh tế, kiến tạo động lực mới cho phát triển. Cùng với đó cần khơi thông tất cả các nguồn nhân lực, vật lực và tài lực của đất nước đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế. “Cùng với những yếu tố bên ngoài là thu hút FDI, xuất khẩu hàng hóa thì cần phát huy cả những yếu tố bên trong như sự vào cuộc đồng lòng, đoàn kết với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để chỉ đạo, giải quyết những dự án tồn đọng, đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu, ngăn chặn lạm phát. Năm 2025 với thông điệp chính phải là năm tạo ra nền tảng để những năm sau đó bứt phá tốt hơn, làm tiền đề cho những năm tiếp theo. Đó là nội dung rất quan trọng”, TS Võ Trí Thành nói. Ông Thành cũng nhấn mạnh: “Với phương châm bản lĩnh linh hoạt, kịp thời hiệu quả, với năng lực và kinh nghiệm trong điều hành của Chính phủ cùng sự đồng hành kịp thời, hiệu quả của Quốc hội; với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đương đầu với khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam sẽ hóa giải được những khó khăn, bất cập, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 cao nhất, tạo nền tảng và gia tốc để kinh tế Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới”. Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phân tích, để đạt tốc độ hai con số, cùng với việc xốc lại tinh thần kinh doanh, tinh thần công việc thì cần các chính sách hoàn toàn khác biệt so với hiện tại, với quan điểm là cần làm, quyết tâm làm để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao. Thị trường bên ngoài đang được dự báo không xấu hơn năm 2024, nhưng cũng không tốt bằng. Kim ngạch xuất khẩu 400 tỷ USD của năm 2024, tăng 14,4% so với năm 2023 là mức tăng rất cao, không dễ có mức cao hơn trong năm nay, nhất là khi việc tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ phải được cân nhắc thận trọng. Trong bối cảnh này, nếu muốn tăng trưởng thì các động lực bên trong sẽ phải tăng mạnh. Đó là đầu tư công phải tăng mạnh, việc cải thiện các thủ tục cũng phải để các dự án chuyển tiếp, các dự án khởi công mới được đảm bảo thuận lợi, nhất là trong bối cảnh các cơ quan đang thực hiện sắp xếp bộ máy. Đặc biệt, đầu tư của khu vực tư nhân phải nhanh chóng trở lại, phải đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số như nhiều năm trước… Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm: Quá trình đổi mới đã giúp chúng ta tích lũy được rất nhiều, từ nguồn lực, cơ sở hạ tầng ban đầu cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đặc biệt là kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhưng vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, nợ công quốc gia ở mức thấp so với trần nợ công, sức mua của VND ổn định. Tuy vậy, để tăng trưởng hai con số thì trong nhiều năm tới, chúng ta phải tạo ra những động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh…"Nhưng trước mắt phải làm mới, tăng chất, tăng động lực cho ba trụ cột tăng trưởng của quốc gia gồm: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu", ông Ngân nhấn mạnh.S Theo VTC NEWS
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|