Phải khẳng định, việc kinh tế nước ta tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khá cao trong quý I-2021 (4,48%) là bởi thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện quyết liệt, hiệu quả “mục tiêu kép”, phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn, kinh tế nước ta vẫn đạt kết quả tích cực trong các lĩnh vực trọng điểm như thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp… Điều này cho thấy, nền kinh tế đã có sức chống chịu, thích nghi cao trước khó khăn và đây là tiền đề quan trọng để đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Mục tiêu tăng GDP của nước ta trong năm 2021 là 6,5%. Do đó, yêu cầu trước mắt vẫn là tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Hiện Việt Nam được đánh giá cao về kết quả phòng, chống dịch và có nhiều cơ hội phục hồi, phát triển kinh tế, song vẫn cần thận trọng trong đánh giá tình hình từ nay đến cuối năm để đưa ra các nhóm giải pháp phù hợp nhằm vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, giữ mạch cải cách và bảo đảm an sinh xã hội.
Trong dài hạn, điều quan trọng là tiếp tục tập trung cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế cũng như xử lý hiệu quả các rủi ro trong bối cảnh mới. Nói cách khác, nền kinh tế phải đủ năng lực đối phó với các nguy cơ, các thách thức an ninh phi truyền thống, điển hình như đại dịch Covid-19.
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã khiến xã hội có nhiều thay đổi trong nhận thức về thích ứng, phản ứng chính sách và đổi mới tư duy. Do vậy, yêu cầu hiện hữu là đẩy mạnh tái cơ cấu và đa dạng hóa cơ cấu nền kinh tế; tiếp tục thay đổi phương thức hoạt động, không nên phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ một quốc gia nào ở bất cứ một lĩnh vực nào. Muốn vậy, cần tiếp tục phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo ra những cơ hội đa phương, đa dạng hóa, tối đa hóa hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, dịch vụ… trong điều kiện toàn cầu hóa.
Cũng để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp… cần bước nhanh vào kinh tế số, chuyển đổi số… Đây chính là cơ hội tốt để thúc đẩy đổi mới, nhanh chóng có những đột phá về phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Đồng thời, tiếp tục quan tâm mạnh mẽ những vấn đề về quy hoạch, đất đai, năng lượng, nguồn nhân lực, nguồn vốn…; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh… Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp hoặc không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh “sợ lớn”; tận dụng tốt sự dịch chuyển của các nhà đầu tư quốc tế…
Bản thân doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng cần chủ động tự đổi mới về cách quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nhân sự… để phù hợp với bối cảnh hiện nay khi mà cơ hội kinh doanh diễn ra nhanh, có nhiều ngành nghề mới. Đây cũng là cách tạo sức bật mới cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế nhanh, bền vững.