Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, Tây Ban Nha cần 140 tỷ euro, bao gồm cả các khoản vay của Liên minh châu Âu (EU), để chi tiêu vào năm 2027 cho một chương trình đầu tư và cải cách dưới sự giám sát chặt chẽ của Ủy ban châu Âu (EC).
Với tổng số 110 dự án đầu tư lớn, kế hoạch chia thành 10 lĩnh vực chính sách và liên quan đến 102 cải cách đã được lên kế hoạch, đặc biệt là hệ thống lương hưu và thị trường lao động. Chương trình sẽ cộng thêm 2 điểm phần trăm vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của quốc gia này trong những năm tới.
Cụ thể, Tây Ban Nha sẽ tăng cường đầu tư xanh và các dự án số hóa nhằm hỗ trợ những công ty nhỏ, dịch vụ hành chính công và các lĩnh vực then chốt như du lịch. Lĩnh vực giáo dục sẽ nhận được ít nhất 18% trong tổng số 72 tỷ euro, trong khi khoa học và kỹ thuật sẽ được đầu tư 3,3 tỷ euro.
Internet băng thông rộng và mạng di động 5G sẽ được cung cấp tại các vùng nông thôn trong kế hoạch trị giá 4,3 tỷ euro. Nỗ lực tránh tình trạng giảm dân số tại các vùng nông thôn và thu hút người dân thành phố đến những vùng này là một trong những mục tiêu của chương trình.
Nửa triệu ngôi nhà sẽ được cải tạo để đạt được hiệu quả năng lượng cao hơn trong một kế hoạch trị giá 6,8 tỷ euro. Trong một số trường hợp, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ thanh toán 100% chi phí.
Tây Ban Nha cũng sẽ xây dựng nhà máy sản xuất pin ô tô điện đầu tiên. Cùng với du lịch, sản xuất ô tô là ngành chủ chốt ở Tây Ban Nha khi chiếm tới 10% GDP. Do đó, 800 triệu euro sẽ được sử dụng để trợ giá mua ô tô điện. Tổng cộng, kế hoạch này chiếm khoảng 13,2 tỷ euro.
Chính phủ quốc gia này đồng thời cam kết sẽ bãi bỏ một số cải cách về lao động và lương hưu từng được áp dụng trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Các cải cách khác được lên kế hoạch bao gồm củng cố hệ thống y tế, vệ sinh nguồn nước và dự luật nhà ở.