Thần tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch07/05/2021 - 08:47:00 Sau 1 ngày phát hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, trong ngày 6/5 liên tiếp các địa phương thông cáo có các ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan đến yếu tố dịch tễ tại bệnh viện này. Chiều cùng ngày 6/5, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ bệnh viện này.
Trắng đêm truy vết F1, F2 Ngày 6/5, trao đổi với PV Báo Đại Đại Kết, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Sau khi xuất hiện 2 ca tái dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tôi đã chỉ đạo các ngành liên quan kích hoạt ngay mọi biện pháp trong công tác phòng, chống dịch. Trong đêm 5 và rạng sáng ngày 6/5 chúng tôi đã khẩn trương truy vết, khoanh vùng”. Ông Hải cũng cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh trắng đêm truy vết F1, F2, đồng thời khoanh vùng những nơi mà 2 ca bệnh từng tiếp xúc. Ngành y tế sẽ lấy mẫu, xét nghiệm cho 100% người dân trong khu vực phong tỏa và vùng lân cận tùy theo đối tượng tiếp xúc. Tại tỉnh Quảng Ninh, ngay sau khi Bộ Y tế công bố các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh và các địa phương đã khẩn trương truy vết những người có tiếp xúc với F1, F2, F3. Thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả là 2 địa phương có người tiếp xúc F1 với ca bệnh của BV bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) nên công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm được các địa phương, đơn vị triển khai rất nhanh chóng, thần tốc. Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết Quảng Ninh xác định khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm cho kết quả nhanh là yếu tố quyết định thành công trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại tỉnh Bắc Ninh cũng phát hiện thêm những ca mắc mới trong ngày 6/5. Theo lãnh đạo Sở Y tế, bước đầu đã truy vết, rà soát, xác minh được 2.723 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, trong đó 354 trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh (F1); 2.369 trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp tiếp xúc gần (F2). Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra công điện về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19. Theo đó, bắt đầu từ 17h ngày 6/5/2021, tạm dừng hoạt động đối với các nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà trên địa bàn toàn tỉnh (trừ các trường hợp phục vụ mang về). Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhanh hơn, hiệu quả hơn, quan tâm tuyên truyền trên loa truyền thanh. Cho tới ngày 6/5, tất cả các địa phương trong cả nước liên quan đến các ca bệnh tại BV bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) đều tăng tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch với mức độ cao nhất. Nâng mức cảnh báo lên cao nhất Để nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, BV đã nâng mức cảnh báo lên cao nhất, thắt chặt tất cả các quy trình phòng tránh lây nhiễm từ cộng đồng vào BV và lây nhiễm chéo trong BV. Hơn 4.000 cán bộ của BV đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Tất cả bệnh nhân trước khi vào viện đều được xét nghiệm, nếu âm tính mới được vào viện. Người nhà vào chăm cũng phải xét nghiệm và xét nghiệm cũng chỉ có giá trị trong 72 tiếng. Sau 72 giờ sẽ yêu cầu xét nghiệm lại. Đồng thời, bên trong BV triệt để thực hiện nghiêm quy định 5K song song với việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho cán bộ BV. Dự kiến đến ngày 7/5, hơn 1.500 cán bộ BV sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19. Còn tại Thái Bình, ngày 6/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp khẩn bàn triển khai các giải pháp khẩn cấp ứng phó với dịch, giãn cách xã hội từ 12 giờ ngày 6/5; kích hoạt hoạt động của các tổ tự quản, tổ kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị quyết tâm, khẩn trương, khẩn cấp, thần tốc phòng, chống dịch, tạm dừng các hoạt động không cần thiết tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Ngành Y tế thần tốc truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh, sẵn sàng các phương tiện, vật tư, nhân lực và lên các phương án sẵn sàng ứng phó với dịch, triển khai ngay việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các trường hợp F1, F2. Các huyện, thành phố nâng mức độ phòng, chống dịch lên cao nhất. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cũng yêu cầu các địa phương, các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch tại cơ quan, đơn vị. Ngành Công an tăng cường xử phạt các trường hợp không tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Cũng trong ngày 6/5, cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Thái Bình đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp đối với tình hình dịch bệnh tại huyện Thái Thụy - nơi ghi nhận có các bệnh nhân nhiễm dịch (tại các xã Hồng Dũng, Thụy Quỳnh). Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, huyện Thái Thụy phải quyết liệt, kiên quyết chống dịch, làm ngay, làm mạnh mẽ, không do dự, chần chừ. Trong đó, ngoài phong tỏa khu vực có người mắc dịch phải thực hiện nghiêm việc giãn cách cục bộ khu vực này, với phương châm “Gia đình cách ly với gia đình, hạn chế đi lại, giao tiếp, chỉ ra ngoài khi có các nhiệm vụ thiết yếu, tuyệt đối không tổ chức các hoạt động tụ tập đông người trong khu vực phong tỏa”. Để kiểm soát dịch bệnh nhằm hạn chế lây lan ra cộng đồng, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo khẩn trương rà soát lập danh sách toàn bộ những người bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người dân) đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trong khoảng thời gian từ ngày 14/4 đến ngày 5/5/2021 và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và cách ly tại nhà đủ 21 ngày kể từ ngày cuối cùng đến ở bệnh viện, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú thêm 7 ngày. Đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc có các triệu chứng nghi nghờ nhiễm Covid-19 thì phải được chuyển ngay đến các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời. Cũng trong ngày 6/5, Sở Y tế tỉnh Yên Bái cũng có công văn khẩn gửi các đơn vị trong toàn ngành; các bệnh viện, phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng chống và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, yêu cầu tất cả 219 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh bắt đầu tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 6/5 tới khi có thông báo tiếp theo (trừ Bệnh viện đa khoa Hữu nghị 103 và BV đa khoa Trường Đức). Nâng mức báo động, cảnh giác lên mức cao hơn nữa đối với dịch bệnh Covid-19. Đảm bảo an toàn tại các nơi xung yếu nhất trong BV, như Khoa Hồi sức tích cực, Nội tim mạch, Thận nhân tạo, Truyền nhiễm. Kiểm tra, rà soát, thực hiện nghiêm các tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo Quyết định số 3088 của Bộ Y tế. Rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại tất cả Trạm y tế, Phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn. Tăng thời gian cách ly là cần thiết! Hôm 5/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đã quyết định tăng thời gian cách ly y tế tập trung đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam thêm một tuần. Như vậy có nghĩa, thay vì 14 ngày nay sẽ kéo dài 21 ngày. Tăng thời gian cách ly đương nhiên các cơ sở cách ly sẽ thêm áp lực, sẽ thêm vất vả và đương nhiên sẽ thêm cả những khó khăn có tên và không tên nhưng đó hẳn nhiên là việc nên làm nhằm bảo đảm sự an toàn cho cộng đồng trong điều kiện dịch bệnh hết sức phức tạp; mà, “con” Covid thì dường như không chừa một ai. Theo thực tế dịch tễ những đợt dịch trước, có những trường hợp ủ bệnh và phát bệnh sau 30 ngày; vậy nên không có gì chắc chắn rằng chủng virus mới không có những đặc biệt. Đó là chưa kể đến chuyện các chủng mới lại lây lan với tốc độ nhanh chóng. Tăng thời gian cách ly là cách giúp cho ngành y tế tăng thời gian khoanh vùng, cô lập và dập dịch. Vẫn biết rằng tăng thời gian cách ly, các F0, F1, F2…cũng sẽ cảm thấy bất tiện nhưng, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng tránh được sự lây nhiễm SARS-CoV-2 từ những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh Covid-19, thì điều ấy là rất cần thiết khi mà cuộc chiến chống “giặc Covid” còn nhiều cam go. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|