10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được công nhận gồm: Nghề dệt thổ cẩm của người M’Nông (ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập; xã Đăk Nhau, xã Đồng Nai, xã Thọ Sơn, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước); Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định); Lời nói vần của người Ê Đê (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk); Lễ mừng thọ của người M’Nông (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk); Lễ hội đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa); Lễ hội Mường Xia (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa); Hát sắc bùa của người Mường (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa); Lễ Đại Phan của người Sán Dìu (tỉnh Tuyên Quang); Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa (huyện Lâm Bình, huyện Hàm Yên, huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang, huyện Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang); nghề làm tàu hũ ky (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).

Các nhà chuyên môn nhận định 4 lễ hội có thể đưa vào khai thác văn hóa du lịch bởi những nét đặc trưng mang tính vùng miền và tạo được sự thích thú đối với du khách, đó là: Lễ hội chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (còn gọi là Lễ hội Đô thị Nước Mặn) thường được tổ chức trong 3 ngày từ ngày cuối tháng giêng đến mùng 2-2 âm lịch.

Đây là lễ hội dân gian lớn để tưởng nhớ những thương nhân tạo nên cảng Nước Mặn - cảng từng có tên trong các hải đồ thương cảng thế giới. Nghệ nhân Trung Kiên cho biết vào những ngày lễ, người dân ở đây thắp đèn lồng, chuẩn bị đồ ăn trong nhà để chào đón khách thập phương đến với lễ hội và xem đây như Tết thứ hai trong năm.

Thêm 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Nghề làm tàu hũ ky tại tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: DUY KHÔI)

Kế đến là lễ mừng thọ của người M’nông thường tổ chức vào tháng 1 đến 2 dương lịch hằng năm, sau khi đã kết thúc mùa nương, rẫy. Theo phong tục truyền thống của đồng bào M’nông, khi cha mẹ đã hơn 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ, nhằm thể hiện sự biết ơn công lao dưỡng dục, sinh thành.

 

Lễ hội Bà Triệu được tổ chức vào các ngày từ 20 đến 23-2 âm lịch hằng năm. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh - người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248.

NSƯT Kim Tử Long cho biết: "Từ nhân vật bà Triệu Thị Trinh, sân khấu xã hội hóa của chúng tôi đã từng dàn dựng vở cải lương tuồng cổ "Má hồng soi kiếm bạc" của cố soạn giả - NSND Thanh Tòng. Khi lễ hội này được đưa vào khai thác du lịch, chúng tôi hy vọng sẽ được đưa tác phẩm này biểu diễn phục vụ khán giả tại Thanh Hóa".

Còn nghề làm tàu hũ ky là một nghề chế biến thực phẩm độc đáo. Tàu hũ ky hay còn được gọi là phù trúc (trại âm từ tiếng Hán Việt) hoặc váng đậu, do sản phẩm được làm từ việc vớt váng đậu nành trên chảo nấu.

Ngày nay khi xu hướng ẩm thực chay được ưa chuộng, nghề này "lên ngôi" bởi có thể chế biến được nhiều món ăn. Khi đưa vào khai thác văn hóa ẩm thực cho ngành du lịch, chắc chắn xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long sẽ là điểm đến lý tưởng với du khách.

Thanh Hiệp