20 triệu liều vắc xin về nước trong tháng 9
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, sáng 6/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc xin, trong đó tháng 9 dự kiến có hơn 20 triệu liều. Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vắc xin trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.
Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15/9. Về vắc xin cho trẻ em, Bộ đã tích cực làm việc với các công ty cung ứng và sẽ có lộ trình tiêm cụ thể.
Về việc đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, ông Long cho biết đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía Nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch. Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đang nghiên cứu thí điểm việc đi lại đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 |
Nhắc đến câu chuyện kiểm soát đi lại đối với người dân ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các bộ, ngành đã xây dựng nhiều ứng dụng (app) liên quan. Do đó, các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, chủ động chuẩn bị trước để khi cần, có thể áp dụng triển khai ngay, tránh lúng túng, bị động.
Về việc dạy và học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết nhiều địa phương, nhất là Hà Nội và TP.HCM đang tích cực xử lý, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến thiết bị dạy và học trực tuyến. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang theo sát tình hình, thống kê nhu cầu của các địa phương và nghiên cứu phương án xử lý, hỗ trợ các địa phương, những gia đình gặp khó khăn về thiết bị dạy và học trực tuyến.
Quyết tâm kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9
Với tín hiệu tích cực về vắc xin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, có thể đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho năm 2022. Bộ trưởng cho rằng, xu hướng của thế giới hậu COVID là kinh tế xanh và kinh tế số, kinh tế số sẽ tăng trưởng nhanh, là động lực của tăng trưởng GDP.
Cũng theo Bộ trưởng Hùng, hệ thống chỉ huy và kiểm tra trực tuyến được kết nối tới tận các xã, phường vừa được hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp cải thiện một bước đáng kể công tác tổ chức thực hiện vốn được coi là khâu yếu lâu nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh Nhật Minh) |
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương thực hiện giãn cách phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, đưa cả nước về trạng thái “bình thường mới”.
Thủ tướng nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9. Trong lúc còn khan hiếm vắc xin, chưa bao phủ được vắc xin thì các biện pháp phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội.
“Chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn Việt Nam để chuẩn bị các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh, giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vắc xin bao phủ diện rộng. Điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.