Thị trường chứng khoán: Vẫn còn sóng gió?24/12/2022 - 20:54:00 Thời gian còn lại ít ỏi của năm 2022, chỉ số VN Index vẫn tiếp tục đi “lùi” khiến cho nhiều nhà đầu tư lo lắng. Vậy thị trường chứng khoán trong năm 2023 sẽ như thế nào?
Nhà đầu tư thận trọng Năm 2022, thị trường chứng khoán (TTCK) chứng kiến nhiều biến động, tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Từ đỉnh 1.528,57 điểm vào ngày 6/1/2022 chỉ số VN Index, thanh khoản có phiên đạt 31.000 tỷ đồng thì nay chỉ số VN Index chỉ còn 1.023.52 điểm (cập nhật đến trưa ngày 23/12). Kể từ giai đoạn cuối tháng 4 đến tháng 11 năm 2022, TTCK đã biến động trồi sụt với nhiều phiên giảm điểm mạnh và kéo dài, chỉ số VN Index đã lùi về mức thấp nhất của năm tại 911,90 điểm phiên 15/11; thanh khoản suy yếu mạnh. Trong tuần giao dịch áp chót của năm 2022, tâm lý lưỡng lự của bên mua và bên bán khá rõ nét khiến thị trường nhanh chóng quay lại trạng thái rung lắc nhẹ quanh mốc 1.020 -1025 điểm. Trong tháng 12/2022, về điểm số thì VN Index đang thể hiện sự ổn định, tuy nhiên sự ổn định đó nhờ các trụ luân phiên đỡ, còn thanh khoản đang yếu dần và nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm giá từng phiên theo biên độ hẹp. Nếu trong những phiên gần đây, tín hiệu tích cực của cổ phiếu ngân hàng trở lại tiếp sức giúp thị trường không giảm sâu, thậm chí là khởi sắc, thì ở phiên sáng 23/12, nhóm cổ phiếu vua cũng không thoát khỏi trạng thái phân hóa nhẹ. Chốt phiên sáng ngày 23/12, sàn HOSE có 287 mã tăng và 92 mã giảm, VN-Index giảm 8,08 điểm (-0,79%) xuống 1.014,53 điểm. Sang phiên chiều, thị trường tốt hơn bật sắc xanh. Tới 14h25 chỉ số VN Index đứng ở 1025,17 điểm. Những biến động trên TTCK chủ yếu đến từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các chính sách điều hành kinh tế cũng là kiểm soát lạm phát thông qua tăng lãi suất, thắt chặt tín dụng đối với các phân khúc cho vay rủi ro cao, bao gồm đầu tư bất động sản, chứng khoán. Đặc biệt, kênh huy động vốn dài hạn là thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn do khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư sau một số sự cố trên thị trường. Là nhà đầu tư tham gia vào thị trường từ năm 2015, anh Trần Minh Thuận (Phương Mai, Hà Nội) chia sẻ, thời điểm này cũng không biết nên rót thêm tiền vào chứng khoán để trung bình giá nữa hay không vì khoản lỗ năm 2022 chuyển sang 2023 không biết bao giờ gỡ được. Cũng trong cảnh thua lỗ chứng khoán, tài khoản cháy hơn 40% trong năm 2022, anh Bạch Tuấn Hùng (Đống Đa, Hà Nội) ngậm ngùi nói: “Hy vọng năm tới thị trường khởi sắc để kéo lại khoản lỗ này”. Nhiều nhà đầu tư trên TTCK cũng đang nuôi hi vọng, thị trường sẽ sớm sôi động trở lại, thanh khoản tăng lên. Thị trường vẫn có cơ hội Nhận định về TTCK năm 2023, đại diện lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng tình hình lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tháng vừa qua, Fed được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm cường độ tăng lãi suất. Áp lực tỷ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần. "Đây sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng". Lãnh đạo UBCKNN nhận định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế dần được khôi phục. Hoạt động doanh nghiệp dù khó khăn hơn trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới nhưng vẫn khả quan. Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023. Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 11,3 và được đánh giá là hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian tới kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài ra, việc lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, lãi suất gia tăng trong thời gian qua và triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế lớn sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu của người dân các nước này sụt giảm, nhất là tại các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU. Bà Vũ Thị Chân Phương - Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng: Nếu lãi suất huy động tiếp tục gia tăng như trong giai đoạn vừa qua thì dòng tiền sẽ tiếp tục quay trở lại hệ thống ngân hàng, đồng thời gây áp lực đến lãi suất cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn vay của doanh nghiệp trong nước; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới có thể khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, nhằm đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt của TTCK, thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đại diện UBCKNN cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và thể chế. UBCKNN đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK. Trong khi đó công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) có cái nhìn lạc quan hơn về TTCK trong năm 2023 khi cho rằng, thị trường có khả năng hồi phục mạnh mẽ khi những chính sách đã có tín hiệu đảo chiều. Nhận định về TTCK năm 2023, đại diện lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho rằng tình hình lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tháng vừa qua, Fed được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm cường độ tăng lãi suất. Áp lực tỷ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần. "Đây sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng". Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|