Hai đoàn Việt Nam tích cực tìm kiếm người bị nạn
Theo phân công của nước chủ nhà, hai đoàn Việt Nam được bố trí ở 2 nơi, cách xa nhau khoảng 400km. Đoàn của Bộ Công an hoạt động tại thành phố Adiyaman nằm ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đoàn của Bộ Quốc phòng tiến hành các hoạt động cứu nạn, cứu hộ ở tỉnh Hatay ở phía Tây Nam.
Từ ngày làm việc thứ tư (15-2), đoàn Bộ Công an được điều động sang một địa điểm mới, phối hợp hoạt động với đội cứu nạn, cứu hộ của các nước như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ. Về tình hình trên thực địa, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Trưởng đoàn công tác cho biết, công tác cứu nạn cứu hộ hiện nay được tiến hành cơ bản bằng các phương tiện cơ giới, bao gồm có các máy đào, máy cẩu, máy xúc và các phương tiện, thiết bị được mang từ các quốc gia đến, trong đó có Việt Nam, như máy cắt thủy lực, máy cắt bê tông, máy cắt sắt, cùng các thiết bị dò tìm và quan sát vị trí của các nạn nhân. Tại địa điểm mới này, đoàn cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã sử dụng các thiết bị dò tìm sóng radar, camera và âm thanh để tìm cách phát hiện ra các dấu hiệu của sự sống, trước khi vạch ra phương án làm việc.
Bộ đội công binh Việt Nam và chó nghiệp vụ đang tác nghiệp tìm kiếm nạn nhân |
Về sự phối hợp của các lực lượng cứu trợ quốc tế trong triển khai công tác, Đại tá Nguyễn Minh Khương nhận xét rằng, các lực lượng cứu nạn cứu hộ tham gia, trong đó có Việt Nam, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, đều đã hết sức nỗ lực, cũng như đã thực hiện phương án với sự phối hợp khá chặt chẽ và đồng thời cũng tôn trọng ý kiến mà các bên tham gia đưa ra, với mục tiêu là có thể đưa được thi thể của các nạn nhân bị kẹt tại đống đổ nát ra bên ngoài càng nhanh càng tốt.
Trong khi đó, Đoàn Bộ Quốc phòng hoạt động tại tỉnh Hatay. Đây là một tỉnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước của Thổ Nhĩ Kỳ do có di sản văn hóa và lịch sử phong phú, nhưng giờ đây lại là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất do thảm họa động đất gây ra. Hoạt động cứu hộ cứu nạn ngày một khó khăn hơn do các tòa nhà bị hư hại vẫn có nguy cơ tiếp tục đổ sập. Nhiệt độ ban ngày hiện cao nhất là 11 độ C, ban đêm xuống dưới 0 độ C.
Theo kế hoạch hoạt động, đoàn Bộ Quốc phòng chia làm 2 đội. Đội 1 do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), chỉ huy tìm kiếm tại xã Haci Omer Alpagot thuộc Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay. Đội 2 hỗ trợ Đội cứu hộ của Bahrain tìm kiếm tại khu vực dân cư tại đường Harapasi của Antakya. Trước đó, phía Bahrain nhờ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp vì phía bạn không có các thiết bị cứu hộ công binh và chó nghiệp vụ.
Tại hiện trường, Đội Công binh cứu sập của Việt Nam sử dụng kìm thủy lực cắt sắt mở đường, sau đó đưa chó nghiệp vụ luồn sâu để đánh hơi và kiểm tra chéo, rồi cuối cùng bộ đội công binh dùng thiết bị dò tìm để đánh giá chính xác tình hình. Với nỗ lực của toàn đoàn, sau 3 ngày làm việc, đoàn cứu hộ, cứu nạn của Bộ Quốc phòng đã đạt được kết quả rất tích cực, tìm thấy 11 vị trí có nạn nhân bị vùi lấp, trong đó có 2 trường hợp có dấu hiệu của sự sống. Kết quả đó góp phần nâng cao tinh thần toàn đoàn, sẵn sàng khắc phục điều kiện khắc nghiệt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cảm kích trước nỗ lực của đoàn Việt Nam
Trong ngày 17-2, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, lực lượng cứu hộ nước này đã giải cứu được 1 bé trai và 2 người đàn ông gần 11 ngày sau khi trận động đất xảy ra. Tính đến sáng 17-2 (giờ Việt Nam), trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã khiến hơn 42 nghìn người thiệt mạng, trong đó tại Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 36 nghìn người và Syria là gần 6 nghìn người. Ngân hàng JPMorgan của Mỹ ước tính thiệt hại về cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng 25 tỷ USD, tương đương 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Hiện nay, tại Thổ Nhĩ Kỳ, có gần 90 nước và vùng lãnh thổ gửi các đội cứu hộ, cứu nạn sang và phối hợp công việc, trong đó có Việt Nam. Hai đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam triển khai hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Về việc đảm bảo an ninh, an toàn cho các đoàn, do hai đoàn hoạt động ở hai nơi, cách nhau khoảng 400km nên Đại sứ quán Việt Nam tổ chức “trực chiến” tại một trung tâm điều phối nằm ở giữa để làm sao đi lại giữa hai đoàn một cách nhanh nhất.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải, hai đoàn của Việt Nam được các bạn Thổ Nhĩ Kỳ cũng như quốc tế đánh giá rất cao. Đại sứ Đỗ Sơn Hải cho biết người dân Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các đội cứu hộ quốc tế ghi nhận những việc làm, những hoạt động đầu tiên của hai đoàn Việt Nam. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã huấn luyện được lực lượng hỗ trợ cho các chiến sĩ trong công tác cứu hộ, cứu nạn rất tốt. Các nước đánh giá rất cao, không những chỉ là về trình độ năng lực, mà cả sự cần mẫn, cố gắng trong suốt thời gian có mặt tại hiện trường.
Tại tỉnh Hatay, khi đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam phát hiện các vị trí có nạn nhân bị vùi lấp, trong đó có 2 vị trí có dấu hiệu sự sống, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ vô cùng cảm kích trước những nỗ lực tìm kiếm của đoàn cứu hộ cứu nạn Việt Nam. Hành động của đoàn đã mang đến cho họ niềm tin và hy vọng có thể gặp lại hay tìm được người thân yêu bị vùi lấp trong đống đổ nát.
Đại sứ Đỗ Sơn Hải hy vọng rằng, thời gian tác nghiệp của hai đội sẽ chứng minh cho Thổ Nhĩ Kỳ và bè bạn quốc tế thấy rằng khả năng cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam, trình độ của Việt Nam, các lực lượng của Việt Nam là không hề thua kém bất cứ đội nào trên thế giới. Hiện các đoàn Việt Nam được bạn rất tin tưởng. Qua những bước triển khai ban đầu, bạn đã giao cho hai đoàn Việt Nam nhiệm vụ chủ yếu là tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát, còn công tác cứu hộ thì thường phối hợp với các đoàn quốc tế khác để thực hiện. Trong khi đó, công tác dọn dẹp, giải phóng hiện trường phần lớn do phía Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm, vì thế việc phối hợp giữa các đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam với các đoàn quốc tế khác cũng sẽ đem đến những bài học kinh nghiệm lớn, những trải nghiệm rất tốt cho các chiến sĩ làm công tác cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam.