Thu phí cao tốc đầu tư từ ngân sách tới đây ra sao?19/10/2024 - 08:38:00 Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130 quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên cao tốc thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đầu tư, quản lý khai thác với mức phí từ 900 - 5.200 đồng/km. Theo Bộ GTVT, dự kiến việc thu phí bắt đầu vào tháng 5/2025 tại các tuyến cao tốc đủ điều kiện.
12 tuyến cao tốc ngân sách đầu tư sắp thu phí Theo Nghị định, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc được phân thành 5 nhóm; với 2 loại mức phí (gồm mức 1 áp dụng với cao tốc đã hoàn thành, đạt tiêu chuẩn; mức 2 áp dụng với cao tốc chưa đạt chuẩn như chưa có trạm dừng nghỉ, đường gom, làn dừng khẩn cấp).
Theo đó, nhóm 1 gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng thu phí từ 900 - 1.300 đồng/km. Nhóm 2 gồm xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn; mức phí từ 1.350 - 1.950 đồng/km. Nhóm 3 gồm xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn; mức phí từ 1.800 - 2.600 đồng/km. Nhóm 4 gồm xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet; mức phí 2.250 - 3.250 đồng/km. Nhóm 5 gồm các loại xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên; mức phí 3.600 - 5.200 đồng/km. Theo Bộ GTVT, hiện có 12 dự án, đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng, trong đó có 10 tuyến cao tốc được đề xuất dự kiến thu phí gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Với mức đề xuất như trên, dự kiến sau khi thu đối với 10 tuyến cao tốc đang khai thác (đủ điều kiện thu phí), số phí thu được là 3.210 tỷ đồng/năm; số thu nộp ngân sách Nhà nước 2.850 tỷ đồng/năm. Mức thu chỉ bù đắp chi phí vận hành, bảo trì Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, mức thu phí với những tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước bằng 50 - 70% so với những tuyến đường đầu tư bằng phương thức khác. Với mức thu phí trên, Nhà nước thu phí cao tốc không phải vì lợi nhuận mà nhằm bù đắp chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, phương án tài chính của dự án và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới. Mức thu đã được các cơ quan quản lý nghiên cứu thận trọng, tránh tác động đến chỉ số CPI và chi phí logistics. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn là điều cần thiết, giúp tăng nguồn lực đầu tư tuyến cao tốc mới, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc cả nước. Trường hợp không thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ ảnh hưởng đến các tuyến cao tốc song hành đầu tư bằng phương thức khác như BOT, tạo ra sự bất bình đẳng, ảnh hưởng tới định hướng xã hội hóa đầu tư cao tốc. “Hiện hằng năm Nhà nước vẫn cần kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì tình trạng kỹ thuật của đường, bảo đảm khai thác hiệu quả và an toàn giao thông trên tuyến. Việc thu phí cao tốc do ngân sách đầu tư giảm bớt áp lực đối với quỹ bảo trì”, ông Quyền nói. Trước lo ngại việc thu phí gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, ông Quyền cho rằng, chi phí vận tải của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu chất lượng đường tốt, tốc độ lưu thông đều thì chi phí nhiên liệu, hao mòn phương tiện sẽ giảm đi. Doanh nghiệp sẽ căn cứ vào từng lô hàng, yêu cầu về thời gian giao hàng để lựa chọn tuyến đường lưu thông phù hợp để bảo đảm yêu cầu của khách hàng. Theo Báo Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|