Ngày 6/7, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, 6 tháng đầu năm, nền kinh tế đã phục hồi như trước đại dịch Covid-19 và tiếp tục xu hướng tích cực.

Thủ tướng biểu dương một số địa phương có GRDP 6 tháng tăng mạnh như: Bắc Giang (14,14%), Khánh Hòa (12,73%), Thanh Hóa (11,49%), Hà Nam (10,35%), Hải Phòng (10,32%), Trà Vinh (10,27%), Hải Dương (10%).

THTUONG 0.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Bên cạnh những thành quả tích cực, cơ bản, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Cụ thể như tăng trưởng kinh tế ở một số địa phương còn thấp, trong đó một số đầu tàu kinh tế có tốc độ tăng trưởng thấp hơn bình quân chung.

Nợ xấu có xu hướng tăng, vướng mắc liên quan thị trường bất động sản chậm được giải quyết; nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi. 

Phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,5-7% 

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,5-7% trong quý 3, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý 4.

Cùng với đó là giữ lạm phát ở mức dưới 4,5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia.

Lãnh đạo Chính phủ đã có hơn 40 cuộc làm việc với các địa phương, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc nhiều công trình, dự án hạ tầng trọng điểm. Qua đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "thi công 3 ca 4 kíp", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng quán triệt tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chính sách tài khóa được điều hành mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, cần lưu ý giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chi phí vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng, tăng tiếp cận vốn tín dụng.

Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ, phải giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết điều chuyển 29.900 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn ODA; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.

Đi kèm với đó, cần tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm; tổ chức tốt chương trình thi đua 500 ngày, cố gắng hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc để có hệ thống đường cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu có cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các lĩnh vực giá trị gia tăng cao như chip bán dẫn, AI…).

Triển khai tốt việc tăng lương từ ngày 1/7

Lưu ý những năm qua đã tiết kiệm được khoảng 700.000 tỷ đồng để tăng lương từ ngày 1/7, Thủ tướng yêu cầu triển khai tốt việc này. Đồng thời khẩn trương thành lập quỹ chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát", phấn đấu trong năm 2025 xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.

Nhiệm vụ nữa là củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thủ tướng lưu ý tăng cường trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao; phòng, chống cháy nổ.

Chinhphu.jpg
Các đại biểu dự phiên họp Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan cần tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Cụ thể, về thể chế, cần rà soát, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý. 

Về đầu tư công, tập trung cho hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng điện, hạ tầng số, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư. 

Về nhân lực, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là cho các lĩnh vực mới nổi, giá trị gia tăng cao.

Trong triển khai các nhiệm vụ, Thủ tướng quán triệt tinh thần: "Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “không bàn lùi, chỉ bàn làm, đã làm là có sản phẩm, hiệu quả cụ thể".

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

-        Tăng trưởng GDP quý 2 phục hồi mạnh, đạt 6,93%; tính chung 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt kịch bản đề ra.

-       Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,17% so với tháng 5; bình quân 6 tháng tăng 4,08%.

-       Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tháng 6 tăng 2,6% so với tháng 5 và 10,5% so với cùng kỳ.

-       Dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Số lượt khách quốc tế tháng 6 đạt trên 1,2 triệu lượt, tăng 28,1%; tính chung 6 tháng đạt trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid-19).

-       Tình hình tài chính - ngân sách nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán năm.

-       Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 2 tăng 7,5%; tính chung 6 tháng tăng 6,8%; phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Tháng 6 có 15.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,1% so với tháng 5; tính chung 6 tháng có 80.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,1% và 39.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 3,9% so với cùng kỳ.

-       Thu nhập bình quân của người lao động 6 tháng đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

-       Đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, cơ cấu lại đầu tư công để có khoảng 700.000 tỷ đồng thực hiện lộ trình tăng lương từ 1/7/2024.