Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành trung ương và địa phương.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài lẫn bên trong, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Đảng, cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2023 của cả nước tiếp tục chuyển biến tích cực.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, các cân đối lớn được bảo đảm, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần cải thiện. Nợ công, nợ chính phủ và bội chi ngân sách được kiểm soát. Trong kết quả chung về kinh tế - xã hội có đóng góp rất quan trọng của lĩnh vực bất động sản.
Theo Thủ tướng, bất động sản và thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, tác động trực tiếp và rộng lớn đến người dân, doanh nghiệp, tăng trưởng và phát triển kinh tế; hiện dòng tiền, tín dụng của nền kinh tế đều có liên quan đến bất động sản.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các bộ, ngành đã chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tham mưu, đề xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản...
Cùng với nhiều chính sách cụ thể khác về ngân hàng, tín dụng và đầu tư, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Điều này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ trong việc đồng hành, giải cứu thị trường bất động sản tránh để thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đổ vỡ hàng loạt, ảnh hưởng đến sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, bên cạnh các đóng góp tích cực, hoạt động của thị trường bất động sản trong thời gian qua vẫn còn có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh, sự phục hồi còn chậm, các doanh nghiệp bất động sản còn nhiều khó khăn; những bất cập, vướng mắc của các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản mới chỉ được xử lý bước đầu, chưa được giải quyết một cách căn cơ, bền vững, hiệu quả.
“Những vấn đề đã tồn tại nhiều năm thì không dễ một sớm, một chiều có thể giải quyết được; mà phải giải quyết từng bước, khó đến đâu gỡ đến đó, vướng chỗ nào, tháo gỡ chỗ đó, vướng ở cấp nào thì giải quyết ở cấp đó; các cấp, bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân đề cao trách nhiệm của mỗi chủ thể, chung tay cùng giải quyết, với tinh thần “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh và bền vững" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiều dự án bất động sản còn gặp khó khăn vướng mắc
Báo cáo tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong quý II/2023, nguồn cung bất động sản, nhà ở vẫn hạn chế hoàn thành có 07 dự án với 2.424 căn (852 căn hộ; 1.572 căn nhà ở riêng lẻ), số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với Quý I/2023 và bằng khoảng 29.17% so với Quý II/2022, việc triển khai bị chậm hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn…
Trong quý II/2023 có 96.977 giao dịch thành công; giá giao dịch bất động sản chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là có những khu vực tăng cao dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại; giá bán bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao; giá bán của phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2% đến 5% so với quý trước và có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư của sản phẩm và hạ tầng khu vực trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/5/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 925.796 tỷ đồng, cơ cấu, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%.
Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với lĩnh vực bất động sản trong quý II năm 2023 có sự biến động đáng kể vào tháng 6/2023 với 13 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 8,170 tỷ đồng với mức lãi cao so với mặt bằng chung 12-14%, tăng mạnh so với tháng 5/2023, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành thành công với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng (nguồn Hiệp Hội thị trường trái phiếu Việt Nam).
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã đánh giá thực trạng những việc làm được, chưa làm được của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện Nghị quyết 33 và các chính sách liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đề xuất và giải pháp gì để xử lý các dự án bất động sản đang có vướng mắc về pháp lý, phải ngừng hoạt động, không đưa được sản phẩm ra thị trường do vướng mắc pháp lý để giải phóng nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư, giảm rủi ro nợ xấu tín dụng. Những khó khăn vướng mắc trong triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.