Ngày 9-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam và triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp từ đầu cầu UBND tỉnh An Giang với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, một số bộ ngành và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam.

Thủ tướng: Xử lý người đứng đầu chủ quan để dịch diện rộng không thể tổ chức bầu cử - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp khẩn về phòng chống dịch Covid-19 tại đầu cầu trụ sở UBND tỉnh An Giang - Ảnh: Nhật Bắc

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo diễn biến dịch lần này khá nhanh, đa nguồn lây, đa ổ dịch và tình hình nhập cảnh trái phép diễn biến rất phức tạp… Trong khi đó, diễn biến dịch từ Campuchia vẫn căng thẳng. Do Campuchia đã dỡ phong toả, nên dự báo trong những ngày tới lượng người nhập cảnh cả hợp pháp, cả trái phép từ Campuchia về nước sẽ tiếp tục tăng…, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào khu vực Tây Nam Bộ là rất lớn.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương biên giới Tây Nam Bộ phải xác định tinh thần luôn luôn trong trạng thái có nguy cơ, phải "coi như mình đã có dịch"; chuẩn bị cho kịch bản dịch lan trong cộng đồng…

Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cho biết tạm thời yên tâm việc đang kiểm soát tốt tuyến biên giới nhưng vẫn đang chịu áp lực rất lớn. Đáng lo ngại là thực trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép từ phía Bắc đi vào các tỉnh ĐBSCL để tìm đường sang Campuchia, do đó, cần phải xử lý triệt để, triệt phá các đường dây nhập cảnh trái phép…

"Phải dự liệu các tình huống xấu nhất để sẵn sàng các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả"- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh và đề nghị từng địa phương tùy theo tình hình để thực hiện giãn cách, hạn chế các hoạt động tập trung, vui chơi, giải trí; bảo đảm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất an toàn, sinh kế cho bà con…

Tại đầu cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn ví dụ tại Hải Dương, trong 1 đêm cách ly cho 3.000 người, nhưng tổ chức không phù hợp dẫn tới "hậu quả xử lý cả tháng chưa xong". Từ đó, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương bên cạnh việc chuẩn bị chỗ cách ly, phải xây dựng kịch bản cách ly số lượng người lớn trong thời gian ngắn, bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Bên cạnh đó, lực lượng quân đội cũng cần tiếp tục hoàn thiện các kịch bản để điều tiết người cách ly.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề xét nghiệm. "Bộ Y tế làm việc với các sở ở các tỉnh biên giới, phải có cơ chế khẩn cấp và mua dự phòng trang thiết bị vật tư y tế…"- Phó Thủ tướng yêu cầu và đặt vấn các địa phương khu vực ĐBSCL chưa xảy ra tình trạng dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng theo đúng nghĩa, do đó chưa có kinh nghiệm ứng phó.

"Nếu dịch xảy ra trong cộng đồng, ứng phó sẽ lúng túng. Lãnh đạo các tỉnh yêu cầu sở Y tế xây dựng và báo cáo tỉnh các phương án ứng phó với kịch bản xấu nhất" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yều cầu các tỉnh cũng phải chủ động, tăng cường lắp camera giám sát tuyến biên giới, khu vực đô thị, đầu mối giao thông, những nơi nguy cơ cao… để khi cần sẽ truy vết nhanh được.

Thủ tướng: Xử lý người đứng đầu chủ quan để dịch diện rộng không thể tổ chức bầu cử - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự họp tại đầu cầu UBND tỉnh An Giang

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình hiện đang "nước sôi lửa bỏng", rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trên toàn quốc rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhìn chung Việt Nam đang kiểm soát tốt nhưng nếu không chủ động, cảnh giác, không có các biện pháp ứng phó, không huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân, thì sẽ thất bại.

 

Nêu thực tế vẫn có địa phương còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không chuẩn bị các kịch bản phù hợp, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia tiếp tục chỉ ra địa chỉ, con người cụ thể, "lúc này không có nể nang", "phải kết hợp hài hoà phòng ngự với tấn công, tấn công tốt thì mới phòng ngự, phòng ngự tốt mới đảm bảo tấn công tốt".

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí Thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ dạo quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế… tiếp tục phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với tư tưởng chỉ đạo "thần tốc, thần tốc hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa". Có như vậy mới ngăn chặn được dịch bệnh, đảm bảo "mục tiêu kép", thực hiện tốt cuộc bầu cử, kết thúc năm học 2020-2021. Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải vào cuộc.

Bộ Y tế, các địa phương, cơ quan đơn vị đề xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có hiệu quả, xả thân vì công tác chống dịch; đồng thời phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, "vừa có tính chất động viên, truyền cảm hứng nhưng đồng thời cũng xử lý nghiêm minh có tính răn đe, có vậy sự lãnh đạo, chỉ đạo mới có hiệu quả".

Thủ tướng biểu dương tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua kiên quyết xử lý phó giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo huyện Bình Xuyên do lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng nhắc nhở thường trực cấp uỷ, tổ chức đảng, đặc biệt bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải tích cực vào cuộc.

"Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế-xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là trả giá đắt cho xã hội, cho hệ thống chính trị, sức khoẻ người người dân, cho lợi ích quốc gia, dân tộc, và người có trách nhiệm cũng phải trả giá" - Thủ tướng cương quyết nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương có kịch bản đảm bảo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐN các cấp 2021-2026; kết thúc năm học 2020-2021 đúng luật, có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân.

Đặc biệt, các bộ ngành, địa phương rà soát tác động của các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trên cơ sở đó có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phù hợp đảm bảo sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân; khẩn trương giải quyết nhanh các thủ tục xuất cảng, xuất cảnh đảm bảo an toàn.

Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất dự trữ, hỗ trợ các tỉnh biên giới, nhất là các tỉnh biên giới phía Nam. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc điều hành chuyến bay, chuyến tàu, phương tiện vận tải hợp lý, không trì trệ, ách tắc. Bộ Xây dựng chỉ đạo nghiên cứu sử dụng công nghệ, vật liệu mới để triển khai nhanh việc xây dựng các khu nhà, bệnh viện dã chiến khi có tình huống.

Chốt lại cuộc họp, Thủ tướng nhắc nhở: "Không hoảng hốt, không lo sợ, hết sức tỉnh táo, thông minh, sáng tạo, bản lĩnh trong phòng, chống dịch Covid-19".

Có kịch bản 30.000 người nhiễm

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phải chuẩn bị cho kịch bản cả nước có 30.000 người nhiễm và điều trị trên toàn quốc, dịch bệnh đã hiện hữu, không còn là dự báo.

Bộ Y tế tiếp tục nhập vắc-xin, thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước, truyên truyền, giải thích cụ thể về tiêm vắc-xin không để cho các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, chống phá.

Thế Dũng