Thuế là giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế sử dụng thuốc lá19/10/2024 - 09:04:00 Đây là ý kiến của các chuyên gia tại Tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030” do Kênh Truyền hình Quốc hội tổ chức tại Hà Nội sáng 18.10.
Việt Nam có 100 nghìn ca tử vong do thuốc lá mỗi năm Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, thành phần khói thuốc có 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Hút thuốc lá gây ra khoảng 28 nhóm bệnh ung thư và nhiều bệnh mãn tính. Cập nhật số liệu mới nhất, ông Lâm cho biết, thế giới có 8 triệu ca tử vong do thuốc lá mỗi năm. Con số này tại Việt Nam là hơn 100.000 ca; trong đó, 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động, 18.800 ca do hút thuốc thụ động. Số ca tử vong không phải đột ngột tăng lên mà bây giờ mới có các số liệu và bằng chứng để Viện Đánh giá và đo lường sức khỏe (IHME), thuộc Đại học Y khoa Washington, ước tính chính xác hơn. Các chuyên gia của WHO từ Văn phòng chính tại Geneva cũng đã xem xét và xác nhận con số ước tính tử vong mới này. Việt Nam hiện nằm trong 10 nước có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới, theo bà Lê Thị Thu, chuyên gia của Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam giảm được 0,23% tỷ lệ sử dụng thuốc lá trung bình, kết quả này ngang với Philippines (khoảng 0,2%) nhưng so với Thái Lan thì chỉ bằng một nửa (0,5%). So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi tại Việt Nam cao thứ tư. Đáng chú ý là tình trạng gia tăng sử dụng thuốc lá ở trẻ em nước ta. “Ở lứa tuổi 13 - 15, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu chung của nam và nữ có xu hướng giảm (từ 4% năm 2014 xuống còn 2,9% vào năm 2022) nhưng sử dụng ở nữ giới lại gia tăng (1,3% năm 2014 lên 1,8% năm 2022). Song, với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử trên thị trường, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử chung cả nam và nữ năm 2022 là 3,5%, trong đó đáng lo ngại là tỷ lệ nữ sử dụng thuốc lá điện tử tăng cao với mức 2,8%, nam là 4,3%”, bà Thu cho hay. Nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá từ đó giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, tháng 5.2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 (sau đây gọi là Chiến lược). Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Đến năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này đang gặp nhiều thách thức. Bà Hoàng Thị Thu Hương, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc lá của nam giới tuy đã giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,8% năm 2020 nhưng vẫn không đạt mục tiêu của Chiến lược. Cần tăng thuế cao hơn nữa Tại tọa đàm, các diễn giả cho rằng, một trong những lý do khiến tỷ lệ hút thuốc lá cao ở nam giới nước là do giá thuốc lá cực kỳ rẻ, và nguyên nhân là vì thuế rất thấp. Theo bà Lê Thị Thu, ở Việt Nam, thuế thuốc lá tính theo phần trăm giá bán lẻ chỉ chiếm 36% (năm 2020) trong khi mức trung bình của các quốc gia có thu nhập thấp là 59,1% và khuyến cáo của WHO là 75%. Trong khi đó, năm 2008, WHO đã xây dựng gói gồm 6 giải pháp kiểm soát thuốc lá (MPOWER) và thuế thuốc lá được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhất. Khi giá thuốc lá tăng 10% thì tiêu thụ giảm 4% ở các nước thu nhập cao, giảm 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. Thanh niên và người nghèo là đối tượng đáp ứng tốt nhất đối với thay đổi về giá, giá tăng 10% dẫn đến giảm tiêu thụ 10% ở nhóm này. Các quốc gia đang hướng tới mức thuế thuốc lá ngày càng cao hơn nhằm ngăn ngừa bệnh tật và cải thiện sức khỏe, đồng thời tạo thêm nguồn thu ngân sách để dành cho các ưu tiên của chính phủ, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết. Khoảng 60 quốc gia, với tổng dân số hơn 1,6 tỷ người, hiện đang áp thuế từ 70% trở lên trong giá bán lẻ. Những quốc gia này đã làm cho giá thuốc lá ngày càng đắt đỏ, khó mua hơn - qua đó đã dẫn đến những cải thiện lớn về giảm tỷ lệ hút thuốc trong một thời gian tương đối ngắn. Ví dụ, tại Philippines, từ 2012 tới 2022, việc tăng thuế thuốc lá đã giúp giảm 30% tỷ lệ hút thuốc và thu thuế thuốc lá của Chính phủ tăng đáng kể, từ 680 triệu USD lên 2,9 tỷ USD. “Tăng thuế và giá thuốc lá chính là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, khai mạc ngày 21.10 tới đây. Trong đó, ban soạn thảo đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế. Cụ thể, mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án. Phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000 đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030. Bà Angela Pratt, cho rằng, các phương án này là bước đi đúng hướng, nhưng cần tăng thuế cao hơn nữa để đạt được các mục tiêu giảm hút thuốc của quốc gia và bảo vệ sự phát triển kinh tế của đất nước trong dài hạn. Cụ thể, mô hình của WHO cho thấy, việc áp thuế tuyệt đối với lộ trình để đạt 15.000 đồng mỗi gói vào năm 2030, cộng với mức thuế theo tỷ lệ hiện hành, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 35,8% vào năm 2030, tức là đạt mục tiêu quốc gia về giảm hút thuốc. Đồng thời, mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm vào năm 2030 so với năm 2020. Giảm tỷ lệ hút thuốc xuống mức này sẽ làm giảm chi phí kinh tế đáng kể do tỷ lệ sử dụng thuốc lá gây ra. Hiện tại, ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra tổn thất lên tới khoảng 108 nghìn tỷ đồng hoặc 1,14% GDP hàng năm. “Đây là những chi phí mà lẽ ra có thể tránh được”, bà Angela Pratt nói. Phản hồi ý kiến cho rằng tăng thuế khiến giá thuốc lá cao hơn sẽ dẫn đến nhiều thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam, bà Angela Pratt cho rằng, điều này không đúng. “Bằng chứng và kinh nghiệm quốc tế cho thấy mức buôn lậu thuốc lá chủ yếu bị ảnh hưởng bởi năng lực thực thi chống buôn lậu chứ không phải là mức giá và thuế”. Tương tự, mối lo thuế cao hơn sẽ dẫn tới mất việc làm trong ngành thuốc lá cũng “không đúng”. “Khi giá thuốc lá tăng, chi tiêu của mọi người sẽ được chuyển sang các sản phẩm khác. Thêm vào đó, việc tăng nguồn thu cho ngân sách Chính phủ nhờ tăng thuế thuốc lá có thể được đầu tư trở lại vào các lĩnh vực khác để tăng sản lượng của nền kinh tế”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nói. Theo ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|