Tiêu thụ vải sớm thuận lợi, an toàn09/06/2021 - 09:48:00 Do chủ động xây dựng kịch bản tiêu thụ vải trong tình hình dịch Covid-19 nên mọi khó khăn từng bước được tháo gỡ, các trà vải sớm của Hải Dương tiêu thụ thuận lợi, mang lại giá trị lớn.
Hải Dương đã xuất khẩu sang các thị trường lớn hơn 1.500 tấn vải sớm, cao nhất từ trước tới nay Trái ngược với dự đoán ban đầu về những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trà vải sớm của tỉnh được tiêu thụ thuận lợi, an toàn, bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch bệnh.
Nhiều cái nhất, cái mới Vải sớm của Hải Dương có ở một số địa phương nhưng canh tác tập trung và cho chất lượng cao hơn cả là tại các xã khu Hà Đông (Thanh Hà). Với sản lượng lớn (ước đạt 35.000 tấn) trong khi tình hình dịch bệnh căng thẳng ở trong nước và quốc tế đã làm cho cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn lo ngại về đầu ra sản phẩm. Song với sự chuẩn bị chu đáo, bài bản ngay từ đầu, vụ vải được dự báo sẽ gặp nhiều bất lợi trong tiêu thụ nhưng lại tạo ra được nhiều dấu ấn. Ngay sau lễ mở vườn vải xuất khẩu ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) và hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản tiêu biểu của tỉnh tổ chức vào ngày 18.5, các loại vải sớm là u trứng trắng, u hồng thuận lợi tiếp cận các thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Australia, Singapore… Lượng vải sớm Hải Dương xuất khẩu sang các nước này cao nhất từ trước tới nay với khối lượng hơn 1.500 tấn. Đặc biệt, các doanh nghiệp của tỉnh đã chủ động thâm nhập thị trường khó tính bậc nhất là Nhật Bản bằng cách nâng cao năng lực sơ chế, bảo quản, tính toán phương án vận chuyển trong điều kiện dịch bệnh. Nhờ vậy mà Hải Dương là địa phương đầu tiên xuất vải tươi sang Nhật trong năm nay. Chỉ trong 5 ngày, lượng vải tiêu thụ ở thị trường này bằng cả vụ trước cộng lại với gần 100 tấn. Đây cũng là năm đầu vải tươi của tỉnh chinh phục được khách hàng Thái Lan, nơi được mệnh danh là vương quốc trái cây. Năm nay, vải tươi Hải Dương có thêm kênh tiêu thụ mới thông qua các sàn thương mại điện tử. Dù lượng vải bán trực tuyến không nhiều, chỉ gần 200 tấn song đã tạo ra những tín hiệu tích cực làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân cũng như tăng hiệu quả quảng bá sản phẩm đặc sản của tỉnh. Vì sức hút của vải Hải Dương mà các đơn vị quản lý nền tảng thương mại trực tuyến là Sendo, Voso, Lazada… phải thay đổi kế hoạch kinh doanh. Bên cạnh kênh bán lẻ trực tuyến, vải Hải Dương cũng có chỗ đứng ổn định tại các chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống siêu thị trong cả nước. Hơn 2.000 tấn vải sớm nhanh chóng được bán ra với giá cạnh tranh. Tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng việc vận chuyển vải sang Trung Quốc không gặp nhiều khó khăn. Với kinh nghiệm từ vụ vải trước cũng như đợt dịch lần ba, các cơ sở thu mua đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Do đó, vải Hải Dương vận chuyển, tiêu thụ ở thị trường truyền thống vẫn suôn sẻ khi mỗi ngày có từ 1.000 - 1.200 tấn vải xuất sang đây bằng đường bộ. Đến ngày3.6, Hải Dương đã cơ bản thu hoạch và tiêu thụ xong trà vải sớm. Nhờ tiêu thụ thuận lợi, ổn định ở phân khúc thị trường cao mà giá bán vải sớm của tỉnh luôn đứng đầu, cao hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với vải các nơi khác ở cùng thời điểm thu mua. Giá vải sớm đầu mùa từ 60.000 - 100.000 đồng/kg, trong thời gian thu hoạch rộ từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Riêng vải được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu luôn cao hơn từ 20 - 30% so với thị trường. Tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vải sớm Hải Dương tiêu thụ thuận lợi với giá bán ổn định Chủ động phòng dịch
Ở đợt dịch Covid-19 lần ba, Hải Dương là tâm dịch nên gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong vận chuyển hàng nông sản. Vì vậy, lần này dù kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng tỉnh không chủ quan, lơ là với những người từ nơi khác tới thu mua vải. Với mục tiêu vừa tạo điều kiện để tiêu thụ vải thuận lợi, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, lực lượng chức năng sát sao, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm ngặt trong quá trình thu mua, vận chuyển vải trên địa bàn tỉnh.
Vùng vải sớm khu Hà Đông khi vào vụ luôn sôi động nhất tỉnh. Khi vào vụ có hàng trăm thương lái Trung Quốc và người nơi khác về đặt điểm cân thu mua với lượng phương tiện ra vào địa bàn hơn 1.000 lượt mỗi ngày. Nếu không kiểm soát dịch chặt chẽ thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất khó lường. Thực hiện quy định của tỉnh, UBND huyện Thanh Hà đã lập chốt kiểm soát dịch ở xã Thanh Quang, bố trí lực lượng hỗ trợ người đến thu mua vải chấp hành nghiêm yêu cầu phòng chống dịch. Huyện cũng lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho những trường hợp từ nơi khác tới huyện làm tại các điểm cân, lái xe chở vải. Hải Dương đang bước vào thời điểm thu hoạch vải thiều chính vụ, ngoài huyện Thanh Hà thì TP Chí Linh cũng gấp rút triển khai phòng chống dịch liên quan đến các hoạt động thu mua, vận chuyển vải. Thành phố yêu cầu các phường, xã trồng vải chủ động xác định điểm cân để dễ quản lý và lập các tổ kiểm tra người và phương tiện đến thu mua vải. Thành phố cũng tăng cường nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 hoặc kiểm tra kháng nguyên nhanh cho người mua vải đến từ nơi khác trong trường hợp không có giấy xác nhận kết quả âm tính trong 5 ngày gần nhất. Theo ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các hoạt động xúc tiến thương mại và lễ hội vải thiều năm 2021, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tiêu thụ vải trong tình hình dịch Covid-19 nên mọi khó khăn từng bước được tháo gỡ. Đến nay, dù mới chỉ thu hoạch và tiêu thụ xong trà vải sớm nhưng có thể khẳng định đây là vụ vải thành công của tỉnh trong cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ. Theo Báo Hải Dương
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|