Sau khi Chính phủ ban hành gói an sinh 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, chiều 7-7, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức họp báo công bố quyết định của Thủ tướng về việc triển khai chính sách này.

Tỉnh nào chậm triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỉ  là có lỗi với dân - ảnh 1
Ông Đào Ngọc Dung (ngồi giữa) chủ trì buổi họp báo. Ảnh: V.LONG

Tại đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: “Hiện người dân đang mong chờ từng ngày để được nhận hỗ trợ, đặc biệt là những người lao động. Do đó, ai, cơ quan hay địa phương nào chậm triển khai gói hỗ trợ là có lỗi với dân”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bộ và các đơn vị liên quan đã thống nhất tinh thần là thiết kế giản lược tối đa thủ tục, điều kiện để hưởng gói hỗ trợ lần hai này.

Nhắc đến gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng lần một, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần phải thẳng thắn thừa nhận không đạt yêu cầu, vì thủ tục phiền hà cộng thêm những điều kiện hưởng khắt khe nên không khả thi. Tuy nhiên, ông Dung rất kỳ vọng vào gói hỗ trợ lần hai này, bởi các chính sách đã “mở hết cỡ” cho người lao động, người sử dụng lao động.

“Chẳng hạn như chính sách cho vay, chúng tôi đã trao đổi với phía ngân hàng về thời gian cấp vốn tối đa chỉ còn bảy ngày. Điều đó cho thấy chúng tôi đã quyết liệt như thế nào để cắt giảm các thủ tục và điều kiện không cần thiết…” - ông Dung nói và khẳng định gói hỗ trợ lần này là một cuộc cách mạng, có lẽ chưa bao giờ có gói nào “táo bạo” như vậy.

Để tránh xảy ra việc trục lợi chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tăng cường công tác hậu kiểm từ các cơ quan nhà nước. Bởi nếu có chuyện này xảy ra là có tội với dân

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ: “Chúng ta nhìn hình ảnh các cháu bé phải đi cách ly, những người dân đang điều trị COVID-19 và cách ly tập trung gặp rất nhiều khó khăn về bữa ăn. Đặc biệt là người lao động xếp hàng dài để nhận những bữa cơm miễn phí từ các tổ chức… rất xót xa”.

Về đối tượng lao động tự do, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ Chính trị, Chính phủ nhận định đây là đối tượng gặp khó khăn, không có thu nhập nên cần đặc biệt quan tâm. Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lần đầu, Chính phủ đã giao về các địa phương căn cứ vào điều kiện, khả năng ngân sách để chủ động xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền…

“TP.HCM đã triển khai gói hỗ trợ cho lao động tự do, nếu làm tốt có thể đề xuất triển khai thêm gói hỗ trợ khác. Việc hỗ trợ lao động tự do cũng không phải lo một người đi nhận hỗ trợ nhiều nơi, vì các tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu cập nhật danh sách lên hệ thống…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

 

Trước đó, ngày 1-7, Chính phủ ban hành gói an sinh 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong đó có các chính sách mới ban hành trực tiếp hỗ trợ cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng do ảnh hưởng dịch, nhóm yếu thế như lao động nữ mang thai, các F0, F1, trẻ em bị ảnh hưởng do dịch…