Người đứng đầu ngành y tế khẳng định, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này gồm cả nỗ lực cố gắng tìm kiếm, đàm phán để có các nguồn vaccine nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Theo đó, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục tìm nguồn cung ứng trên toàn cầu hướng tới mua 150 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm 2021.
“Khác với các lần trước, ở chiến dịch tiêm chủng này chúng ta đã có kinh nghiệm triển khai. Gần đây nhất, Việt Nam đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng 23 triệu liều vaccine Sởi-Rubella cho trẻ em. Tuy nhiên, do quy mô của chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn hơn nhiều nên đòi hỏi phải có sự tham gia của các bộ, ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ Y tế cùng các bộ ngành liên quan sẽ thiết lập 8 kho bảo quản, trong đó 1 kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và 7 kho tại 7 Quân khu trong toàn quốc để vaccine khi về đến sân bay sẽ ngay lập tức đưa tới kho bảo quản. Các kho đều phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), từ đó các xe lạnh vận chuyển vaccine đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, tất cả các điểm tiêm chủng COVID-19 lần này đều nằm trong mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vaccine được sử dụng.
Bộ trưởng yêu cầu đẩy nhanh áp dụng sổ sức khoẻ điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app và qua tin nhắn: “Mỗi người dân sẽ nhận được nhắn tin mời đăng ký tiêm vaccine. Sau khi người dân đăng khi, Hệ thống sẽ gửi tin nhắn thông báo thời gian tiêm và điểm tiêm. Khi đến tiêm, sẽ check mã QR và qua khám sàng lọc sẽ điền thông tin vào trường ứng dụng có sẵn. Khi đạt yêu cầu về sức khoẻ thì tiêm và điền vào mục đã tiêm chủng. Như vậy sẽ tiến đến quản lý hồ sơ “hộ chiếu vắc xin” dễ dàng. Sau tiêm hệ thống sẽ nhắc 2 tiếng/lần theo dõi phản ứng sau tiêm chặt chẽ để người tiêm biết. Đối với những người không dùng điện thoại smartphone, sẽ có đầu số tổng đài nhắn những thông tin cụ thể liên quan đến tiêm chủng”.
Để vận hành thông suốt mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin thiết lập nên hệ thống điều hành online. Đến nay, các nước có khoảng 15.000 điểm tiêm chủng đã sẵn sàng nhân lực và sẽ cập nhật và đưa lên bản đồ tiêm chủng.
Liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, các đơn vị trực thuộc Bộ cùng các doanh nghiệp công nghệ đang nỗ lực để hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng.
“Sau khi có bản kế hoạch chi tiết, 3 ngày sau sẽ có bản chạy thử, sau đó Bộ Y tế góp ý và sau 3 ngày nữa sẽ hoàn thiện bản cuối để có thể hoạt động. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng Bộ Y tế và các bộ ngành trong chiến dịch tiêm chủng lần này”- ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng Quốc gia - do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban, sẽ làm việc trực tuyến 24/7 để có thể chỉ đạo, giám sát trực tuyến tiêm chủng an toàn. Sở Chỉ huy của chiến dịch tiêm chủng lần này đặt tại Bộ Quốc phòng do một Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân làm chỉ huy, có sự tham gia của các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải...
Đối với hệ thống y tế quốc phòng và công an, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng và tiêm chủng an toàn, riêng lực lượng quân đội tập huấn thêm về quy trình vận chuyển, bảo quản vaccine. Đối với các bộ, ngành liên quan khác, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đầu mối theo đúng mục tiêu đề ra./.