Trình chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam13/11/2024 - 09:11:00 Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại Hà Nội, điểm cuối tại TPHCM với chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 13.11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Sau đó Quốc hội xem video clip về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Cũng trong sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về phạm vi, quy mô đầu tư và hướng tuyến. Dự án có điểm đầu tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm) với chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ hơn phương án kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác; kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế. Theo cơ quan này, có ý kiến đề nghị bổ sung, thuyết minh các phương án so sánh để làm cơ sở lựa chọn hướng tuyến theo đề xuất của Chính phủ, đồng thời làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc "thẳng nhất có thể", nhất là đoạn đi qua tỉnh Nam Định để bảo đảm hiệu quả cho dự án. Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất bố trí 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, 5 depot tàu khách, 4 depot tàu hàng, 45 trạm bảo dưỡng hạ tầng để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy các ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị (ga Ngọc Hồi, ga Thủ Thiêm, ga Nam Định...). Trong khi đó, để bảo đảm tối đa hiệu quả cho dự án, các vị trí ga phải được bố trí thuận lợi thu hút được nhiều hành khách nhất. Do đó, cơ quan này đề nghị làm rõ việc lựa chọn các vị trí ga của dự án. Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn tính khả thi, hiệu quả của việc tính toán giá vé bằng 60-70% giá vé bình quân các hãng hàng không đang khai thác trên cùng chặng và làm rõ cách tính giá vé toàn chặng. So sánh với các tuyến đường sắt tốc độ cao tương tự của các quốc gia trên thế giới, trong khi Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ và phải nhập khẩu, đầu tư nhiều hạng mục, có thể dẫn đến giá vé cao hơn thực tế. Theo Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|