Mục đích của Trung Quốc trong sứ mệnh đưa người lên trạm vũ trụ
Sáng 17/6, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ đưa 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ mới của nước này. Ba phi hành gia dự kiến sẽ ở trên module chính của trạm vũ trụ Thiên Cung trong 3 tháng. Các phi hành gia sẽ thực hiện các thí nghiệm khoa học, công việc bảo trì, đi bộ ngoài không gian và chuẩn bị cơ sở vật chất để nhận thêm hai module trong năm 2022.
Dù thừa nhận đã “đến muộn” trong cuộc đua trạm vũ trụ, nhưng Trung Quốc nói rằng cơ sở của nước này rất hiện đại. Trạm vũ trụ của Trung Quốc có thể tồn tại lâu hơn so với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đang sắp hết thời gian hoạt động hiệu quả.
Sứ mệnh đưa người lên trạm vũ trụ lần này cũng hồi sinh chương trình không gian có phi hành đoàn của Trung Quốc sau 5 năm gián đoạn.
Với sự kiện ngày 17/6, Trung Quốc hiện đã đưa 14 phi hành gia vào vũ trụ kể từ lần đầu tiên đạt được kỳ tích này năm 2003 và trở thành quốc gia thứ 3 đưa người lên vũ trụ sau Liên Xô và Mỹ.
Vì sao Trung Quốc xây dựng trạm vũ trụ?
Trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu phát triển mạnh mẽ đầu những năm 1990, Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch khám phá vũ trụ. Kế hoạch này được tiến hành một cách từ từ và thận trọng.
Trung Quốc không được tham gia vào Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), chủ yếu do sự phản đối của Mỹ về tính chất bí mật trong chương trình không gian của Trung Quốc cùng với mối liên hệ chặt chẽ với quân đội nước này. Do đó, Bắc Kinh phải xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình khi muốn trở thành một cường quốc trong lĩnh vực khám phá không gian.
Trong một cuộc họp báo ngày 16/6 tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (Jiuquan), trợ lý Giám đốc Cơ quan vũ trụ có người lái Ji Qiming nói rằng, việc xây dựng và các hoạt động của trạm không gian sẽ đưa công nghệ và kinh nghiệm của Trung Quốc tới tất cả mọi người.
Chương trình không gian là một phần của động lực tổng thể đưa Trung Quốc đi đúng hướng nhằm thực hiện các sứ mệnh tham vọng hơn, đồng thời tạo cơ hội hợp tác với Nga và các quốc gia khác, chủ yếu là châu Âu - những nước hợp tác với Văn phòng Liên Hợp Quốc về hoạt động vũ trụ.
Yếu tố chính trị và an ninh
Chương trình không gian của Trung Quốc là niềm tự hào dân tộc, thể hiện sự vươn lên từ nghèo đói trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 4 thập kỷ qua.
Ông Ji Qiming nói rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jinping) đã thiết lập chương trình nghị mới cho sự nổi lên của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian.
Nhiệm vụ đầu tiên lên trạm vũ trụ cũng trùng với lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7 tới. Đây là một cột mốc chính trị quan trọng của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa quân đội với tốc độ nhanh chóng, làm dấy lên lo ngại từ các nước láng giềng, Mỹ và các đồng minh NATO.
Dù Trung Quốc tuyên bố ủng hộ việc phát triển lĩnh vực không gian một cách hòa bình trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nhiều người vẫn nhớ vào tháng 1/2007, Trung Quốc từng đưa một tên lửa đạn đạo vào không gian để phá hủy một vệ tinh thời tiết không hoạt động, tạo ra các mảnh vỡ không gian mà đến nay vẫn còn là một mối đe dọa.
Các phi hành gia Trung Quốc gồm những ai?
3 phi hành gia Trung Quốc tham gia sứ mệnh lên trạm vũ trụ lần này gồm Nie Haisheng - 56 tuổi Liu Boming - 54 tuổi và Tang Hongbo - 45 tuổi, đều là các cựu phi công của Không quân Trung Quốc. Cả 3 người đều có bằng cấp sau đại học và dày dặn kiến thức khoa học.
Theo AP, tất cả các phi hành gia Trung Quốc cho đến nay đều được tuyển chọn từ quân đội, cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa quân đội với chương trình không gian của nước này.
Đối với Nie Haisheng, đây là chuyến đi thứ 3 vào không gian và đối với Liu Boming, đây là chuyến đi thứ 2 sau một nhiệm vụ vào năm 2008 bao gồm chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên của Trung Quốc.
Còn với Tang Hongbo, một trong những ứng viên được tuyển đợt hai năm 2010, đây là lần đầu tiên bay vào không gian.
Giới chức Trung Quốc cho biết, các sứ mệnh tương lai lên trạm vũ trụ sẽ có sự tham gia của cả phụ nữ, với thời gian làm nhiệm vụ kéo dài tới 6 tháng và sẽ có tới 6 phi hành gia trên trạm cùng một lúc trong quá trình thay đổi phi hành đoàn.
Ông Ji Qiming cho biết, Trung Quốc đang tăng cường hợp tác, trao đổi quốc tế và việc các phi hành gia nước ngoài tham gia cùng các đồng nghiệp Trung Quốc trong các sứ mệnh lên trạm vũ trụ Thiên Cung chỉ còn là vấn đề thời gian.
Những thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian cho tới nay
Cùng với chương trình không gian có phi hành đoàn của mình, Trung Quốc đã tiến hành khám phá hệ mặt trời bằng tàu vũ trụ robot.
Tháng 5 vừa qua, tàu thăm dò Thiên Vấn 1 của Trung Quốc đã đáp thành công xuống phía Nam sao Hỏa, đánh dấu Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới đưa tàu hạ cánh xuống sao Hỏa, sau Nga và Mỹ.
Trước đó, Trung Quốc đưa tàu vũ trụ và tàu thăm dò lên khu vực ít được khám phá trên Mặt Trăng. Tháng 12/2020, tàu vũ trụ Thường Nga-5 (Chang'e-5) đã lần đầu tiên mang về cho Trung Quốc các mẫu đất trên Mặt Trăng. Đây cũng là mẫu đất mới nhất của thế giới từ Mặt Trăng kể từ những năm 1970.
Trung Quốc còn muốn đưa các phi hành gia nước này lên Mặt Trăng và xây dựng một cơ sở nghiên cứu trên Mặt Trăng./.