Kỳ thi tốt nghiệp THPT dù vẫn nhằm 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và lấy kết quả xét tuyển ĐH, thế nhưng năm nay, các cơ sở giáo dục ĐH đã dành rất ít chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả của kỳ thi này. Có những trường chỉ dành 10-15% chỉ tiêu, còn lại trường có phương thức tuyển sinh riêng.
Theo các giáo viên, khi đồng thời có nhiều phương thức tuyển sinh, học sinh sẽ vất vả hơn vì phải vừa ôn thi tốt nghiệp THPT vừa phải có phương thức học phù hợp để dự tuyển vào các trường đặt nguyện vọng.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng, Bộ GD&ĐT giao kỳ thi THPT quốc gia, sau này là kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương đã phát hiện được các vụ việc gian lận lớn như: Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình… Nhưng nếu để các cơ sở giáo dục ĐH có nhiều phương thức tuyển sinh sẽ có nguy cơ phát sinh gian lận và không ai có thể kiểm soát được.
Ông Khuyến ví dụ, nhiều trường hiện căn cứ vào kết quả học bạ để xét tuyển tuy nhiên kết quả trong học bạ ở trường THPT có đáng tin cậy không hay đã được "làm đẹp"? “Tình trạng quản lý chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện còn lỏng lẻo, chưa được như các nước có nền giáo dục tiên tiến. Do đó, tuyển sinh ĐH căn cứ vào kết quả này là không đáng tin cậy, nhất là khi “trăm hoa đua nở”, các trường sẽ không ngại để "làm đẹp" học bạ cho học sinh. Đây cũng chính là gian lận trong tuyển sinh”, TS Khuyến nói.
Cũng theo TS Khuyến, các trường hạ chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng cũng rất tốt, tuy nhiên Bộ GD&ĐT cần đánh giá, trường nào đủ điều kiện để tổ chức, trường nào không. Thực tế, không phải trường nào cũng đủ khả năng để xây dựng ngân hàng đề, tổ chức kỳ thi. Ngoài ra, nếu mỗi trường có một kỳ thi đánh giá năng lực riêng, học sinh muốn thi 3 trường sẽ phải tham gia 3 đợt thi mất nhiều thời gian, công sức.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội cũng cho rằng, kết quả học bạ không đủ tin cậy trong đánh giá chất lượng học sinh. Đầu vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được các trường ngoài công lập tuyển theo nhiều phương thức khác nhau, trong đó có cả xét tuyển học bạ. Sau một học kỳ, có một số học sinh sẽ chuyển từ trường này sang trường khác, học bạ ghi kết quả học kỳ I khá đẹp như điểm trung bình môn học cao như: Toán 9.0; Vật lý 9.0; Tin học 10; Ngữ văn 8.5…
Tuy nhiên, vì không tin tưởng vào kết quả học bạ, để tuyển ngang, trường tổ chức bài kiểm tra đầu vào cho thấy kết quả học sinh làm bài thấp hơn rất nhiều so với điểm trong học bạ. “Với xu thế nhiều trường ĐH hiện nay tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ, một số giáo viên cũng lỏng tay cho điểm học sinh. Do đó, kết quả học bạ không phải căn cứ tin cậy để đánh giá chất lượng học tập”, hiệu trưởng trường này nói.
Cũng theo vị này, mấy năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT có đối sánh kết quả học bạ với kết quả thi tốt nghiệp THPT, trong đó có những địa phương điểm học bạ vênh rất cao so với điểm thi nhưng điều này không phải là căn cứ để xử lý các nhà trường hay học sinh.