Cán bộ tư vấn của trường đại học Phenikaa giải đáp thắc mắc về chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp cũng như chính sách hỗ trợ của nhà trường trong năm 2022. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Đến thời điểm này, hơn 90 trường đại học trên cả nước đã công bố thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2023.
Chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường tăng so với năm trước từ hàng trăm đến hàng nghìn chỉ tiêu.
Nhiều trường bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm.
Việc xét tuyển bằng học bạ vẫn được đa số các trường sử dụng, trong đó dành từ 20-40% chỉ tiêu cho phương thức này.
Năm 2023, Trường Đại học Phenikaa tuyển sinh 7.668 chỉ tiêu cho 41 ngành, chương trình đào tạo với 3 phương thức xét tuyển.
So với năm 2022, năm nay, Trường Đại học Phenikaa tăng hơn 2.000 chỉ tiêu và có thêm 5 ngành đào tạo mới, gồm: Kỹ thuật phần mềm, Răng-Hàm-Mặt, Đông Phương học, Ngôn ngữ Pháp, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng.
Trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển chính, bao gồm: xét tuyển thẳng theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa, 10-20% tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023, từ 40-60% tổng chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào học bạ bậc Trung học Phổ thông, từ 30-40% tổng chỉ tiêu.
Theo thông báo tuyển sinh của Trường Đại học Giao thông Vận tải, năm nay, nhà trường giữ nguyên các ngành đào tạo (31 ngành) nhưng tăng tổng chỉ tiêu toàn trường là 5.800, trong đó Hà Nội 4.300 chỉ tiêu, Phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh 1.500 chỉ tiêu (năm 2022, trường tuyển sinh 5.670 chỉ tiêu).
Trường Đại học Giao thông Vận tải sử dụng 4 phương thức xét tuyển sinh gồm: Phương thức 1 xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023 và học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế.
Phương thức 2 xét tuyển dựa trên kết quả học tập Trung học Phổ thông (học bạ).
Phương thức 3 xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội, xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh.
Phương thức 4 xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) và tổng điểm 2 môn học (môn Toán và 1 môn không phải Ngoại ngữ) trong tổ hợp xét tuyển (tổng điểm trung bình lớp 10, lớp 11 và lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 15 điểm trở lên.
Trường Đại học Điện lực tuyển sinh 3.650 chỉ tiêu cho 5 phương thức xét tuyển. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên trường có phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Cụ thể, trường dành 35% cho phương thức xét tuyển học bạ, 55% chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, 5% cho phương thức xét tuyển kết hợp, 5% cho phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và không giới hạn chỉ tiêu với phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với xét tuyển kết hợp, nhà trường lưu ý về hai nhóm: Nhóm kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với điểm học bạ và nhóm kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến mở thêm 4 ngành, chỉ tiêu tăng từ 3.820 lên 4.280.
Bốn ngành mới gồm: Kinh tế số; Truyền thông và quan hệ công chúng; Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng (chương trình chuẩn) và Marketing số (chương trình chất lượng cao).
Trường dự kiến dành 55% chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp, 15% chỉ tiêu từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy.
Bên cạnh đó, trường dành 30% chỉ tiêu xét tuyển theo đề án riêng và theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. So với năm 2022, chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp giảm 10%.
Với phương thức xét tuyển theo đề án riêng, thí sinh nộp hồ sơ phải thuộc một trong 4 nhóm điều kiện.
Nhóm một là những thí sinh đạt điểm SAT từ 1130/1600, điểm ACT từ 25/36 ACT trở lên.
Nhóm thứ hai là thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5, TOEFL iBT 65, TOEFL 513 trở lên.
Nhóm thứ ba là học sinh giành giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh môn Toán, Lý, Hóa, Tin. Cả ba nhóm này đều phải có điểm trung bình ba năm bậc Trung học Phổ thông hoặc học kỳ I lớp 12 tối thiểu 7,5, hạnh kiểm từ khá trở lên.
Nhóm bốn là những học sinh chuyên Toán, Lý, Hóa, Tin của các trường chuyên, có điểm trung bình ba năm hoặc kỳ I lớp 12 từ 8 trở lên, hạnh kiểm tối thiểu khá.
Học viện Hàng không Việt Nam dự kiến tuyển sinh 11 ngành với tổng chỉ tiêu 2.705, tăng gần 600 so với năm 2022.
Trong số đó, chỉ tiêu ngành Ngôn ngữ Anh tăng gần gấp đôi, từ 180 lên 345, kế đó là Quản trị Kinh doanh, từ 440 lên 540.
Các ngành còn lại tăng phổ biến 20-30 chỉ tiêu so với mức tuyển năm 2022, duy nhất ngành Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa giảm chỉ tiêu từ 180 xuống 140.
Ở ngành Quản trị kinh doanh, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ mở chuyên ngành Khai thác Hàng không, dạy và học bằng tiếng Anh hoàn toàn. Nhà trường giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh như năm 2022, gồm xét học bạ; xét điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2023; ưu tiên xét tuyển theo đề án riêng của trường; tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Theo phương án tuyển sinh năm 2023, Trường Đại học Mở Hà Nội tuyển 3.800 sinh viên, tăng hơn 500 chỉ tiêu so với năm trước.
Trường sử dụng các phương thức xét tuyển gồm xét tuyển kết quả bài thi đánh giá tư duy đối với một số ngành: Thương mại điện tử, Luật Kinh tế, Công nghệ thông tin…; xét tuyển từ điểm học bạ; xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023, kết hợp điểm học bạ hoặc thi tốt nghiệp với điểm năng khiếu.
Các ngành yêu cầu môn năng khiếu (Hình họa, Vẽ mỹ thuật, Bố cục màu) gồm: Thiết kế công nghiệp, Kiến trúc.
Thí sinh có thể tham gia kỳ thi năng khiếu do Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức hoặc thi tại trường khác, sau đó nộp phiếu điểm. Hạn đăng ký thi năng khiếu là 15/3.
Trường Đại học Thủy lợi dự kiến tuyển sinh tổng 5.500 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022; đồng thời, dự kiến mở thêm 2 ngành là: Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Theo quy chế, các trường được quyền tổ chức xét tuyển sớm và có thể tổ chức xét tuyển sớm nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, các trường được xét tuyển sớm, công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.