Hỗ trợ công nghiệp điện ảnh phát triển

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình đã nhấn mạnh đến sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm cụ thể hóa những nghị quyết của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)… để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay... Trong đó, thực tế hiện nay đã phát sinh một số vấn đề mới cần bổ sung vào Luật Điện ảnh như: Công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim...

Mặt khác, công nghiệp điện ảnh hiện nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang công nghệ kỹ thuật số. Việc phát hành, phổ biến phim trên mạng lưới băng thông rộng, thông qua các ứng dụng trên nền tảng kỹ thuật số đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Luật Điện ảnh hiện hành chưa cập nhật sự phát triển điện ảnh về mặt kỹ thuật, công nghệ. Do đó, để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, quản lý hiệu quả phương thức phát hành và phổ biến phim trên nền tảng kỹ thuật số và các công nghệ tiên tiến khác trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cần tạo dựng hành lang pháp lý quy định và hỗ trợ việc áp dụng thành tựu công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến khác nhằm quản lý và hỗ trợ công nghiệp điện ảnh phát triển...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH 

Tiền kiểm hay hậu kiểm phim trên không gian mạng?

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, việc phổ biến phim trên không gian mạng là nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, thảo luận. Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng: Phương án 1 là hậu kiểm và Phương án 2 là tiền kiểm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Phương án 1 (hậu kiểm) được cho là phù hợp với thực tế hiện nay khi nước ta chưa có đủ điều kiện, năng lực đáp ứng yêu cầu tiền kiểm số lượng phim quá lớn được phổ biến trên không gian mạng. Tuy nhiên, việc hậu kiểm cũng tạo nguy cơ để lọt các phim vi phạm pháp luật, không phù hợp với văn hóa Việt Nam; tạo sự thiếu công bằng với việc tiền kiểm phim phổ biến trong hệ thống rạp và phim phổ biến trên truyền hình. Còn Phương án 2 (tiền kiểm) sẽ ngăn chặn phim có nội dung xấu, độc hại trước khi công chiếu rộng rãi, tuy nhiên, hiện nay cơ quan quản lý nhà nước chưa đủ điều kiện, năng lực đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát số lượng rất lớn phim được phổ biến trên không gian mạng...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng với việc chia ra 3 phương án như tờ trình của Chính phủ là đã “tự tay trói mình”. Theo Chủ tịch Quốc hội, tới đây vẫn tồn tại hai loại: Phim kỹ thuật số và phim nhựa dựa trên công nghệ kỹ thuật cao. Với hai dạng phim này, vẫn cần kết hợp cả tiền kiểm và hậu kiểm. Do đó, ban soạn thảo có thể đưa thêm một trường hợp khác để Quốc hội lựa chọn chứ không nên tách ra và bỏ tiền kiểm đi.

“Một số dự án phim sản xuất trong nước hoặc nước ngoài đã chiếu trên các thị trường hay nền tảng khác mà mình thấy có nhạy cảm hoặc không phù hợp thì phải tổ chức tiền kiểm. Cách tiếp cận nên như vậy”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Đánh giá dự án luật lần này đã được tiếp thu, bổ sung khá tốt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan cần tổ chức kỹ lưỡng hơn nữa, kết hợp học tập kinh nghiệm của các nước có nền điện ảnh phát triển để xây dựng nền điện ảnh vừa đáp ứng được nhu cầu giải trí cho nhân dân, vừa đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Còn Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Việc sửa đổi dự thảo luật là chuyển ngành điện ảnh từ một ngành bao cấp thuần túy phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, xã hội sang một ngành văn hóa, đa lĩnh vực và tiến tới phát triển kinh doanh. Sau lần sửa này thì điện ảnh không chỉ là một ngành tự chủ mà phải là một ngành phát triển theo hướng một ngành dịch vụ công nghiệp văn hóa có tích lũy và thu nhập cao, thúc đẩy sự phát triển xã hội bên cạnh việc làm tốt chức năng văn hóa tinh thần của xã hội.

“Chỉ có như thế mới thể hiện được tinh thần kiến tạo phát triển. Làm sao để sau khi có luật này thì điện ảnh thế giới đến đầu tư ở Việt Nam, có nhiều cơ sở, nhiều loại hình của ngành điện ảnh cũng phát triển. Tuy nhiên, điều này chưa được cụ thể rõ nét trong dự án luật”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, dự án luật này chưa thoát khỏi khung cũ khi điều chỉnh điện ảnh - một ngành rất có tiềm năng và đang khá phát triển trên thế giới. Do đó, dự án cũng cần đưa một số nội dung ngoài phim vào luật như: Trường quay, đào tạo điện ảnh, các cơ sở nghiên cứu khoa học về phim, hợp tác quốc tế... – vốn đang khá “thiếu vắng” trong dự án luật.

NGUYỄN THẢO