Văn học sau 50 năm: Chưa thấy sự kết tinh xứng tầm kiệt tác08/12/2024 - 16:30:00 Những thành tựu quan trọng của văn học Việt Nam từ năm 1975 tới nay vừa được tổng kết tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ 5 với chủ đề "50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế" tại Hà Nội. Các ý kiến cho thấy 50 năm qua, dù văn học Việt Nam có rất nhiều thành tựu, vẫn ít có những kết tinh nghệ thuật xứng tầm kiệt tác.
Nhìn lại văn học Việt Nam 50 năm, từ 1975 đến nay, là hết sức cần thiết, trong bối cảnh cả dân tộc đang bước vào kỷ nguyên mới. Những bước ngoặt của văn họcTheo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong nửa thế kỷ qua, những bước ngoặt lịch sử của đất nước đã tác động to lớn, sâu sắc vào sự phát triển của văn học Việt Nam. Văn học không chỉ phản ánh những gì đã xảy ra mà còn phải dự báo tương lai. Người viết cần đặt mình vào tâm thế của một kẻ đi tìm những giá trị mới, trong một thế giới biến động không ngừng. Bước ngoặt thứ nhất bắt đầu từ sau ngày 30/4/1975, các tác giả vẫn tiếp tục viết về chiến tranh nhưng với một cách tiếp cận mới và một bút pháp mới. Bởi vậy, đề tài về chiến tranh được khai thác từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc, mang lại cái nhìn đa chiều về chiến tranh nhưng vẫn tập trung vào sự hy sinh, khát vọng lớn lao của một dân tộc cho độc lập tự do, thống nhất đất nước. Bên cạnh các nhà văn quen thuộc viết về chiến tranh là một thế hệ các nhà văn trẻ không trải qua chiến tranh nhưng viết bằng một cái nhìn trung thực với lịch sử và cảm xúc. Bước ngoặt thứ hai là công cuộc đổi mới của Đảng được tiến hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mở ra một biên độ rất rộng về đề tài, đối tượng, bút pháp và tư tưởng; có những tác phẩm đóng góp thực sự vào một tầm cao mới của văn học Việt Nam. Bước ngoặt thứ ba là khi Việt Nam hội nhập quốc tế. Văn học Việt Nam đã có những bước đi chung trong dòng chảy của thế giới và cũng từ đó, một xu thế mới của văn học Việt Nam đã xuất hiện. Cũng nói về những bước ngoặt lớn của văn học Việt Nam 50 năm qua, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng cùng với sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của đất nước trong suốt 50 năm qua, văn học Việt Nam sau 1975 đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Trong lĩnh vực sáng tác, sự đổi mới văn học bắt đầu từ sự tìm kiếm một ý thức mỹ học mới. Mỹ học thời chiến đã được thay thế bởi mỹ học thời bình, cái nhìn sử thi đã dần nhường chỗ cho cái nhìn thế sự - đời tư. Những quy phạm nghệ thuật cũ, những nhận thức cũ cần phải được thay thế bằng cái nhìn mới để thích ứng với sự chuyển động của thực tiễn… Những biến động này đã được nhiều cây bút nhạy bén nhất của văn học Việt Nam như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng… miêu tả một cách sắc nét vào những năm đầu thập niên 1980. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, cao trào đổi mới văn học diễn ra vào giữa thập niên 1980 và tiếp tục được mở rộng về sau đã chứng kiến sự xuất hiện của một đội ngũ cầm bút tài năng. Về văn xuôi là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương… Về thơ là Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Trần Anh Thái, Inrasara…Về kịch là Lưu Quang Vũ, Xuân Trình… Đánh giá “văn học sau 1975 đã cố gắng miêu tả đời sống trong tính đa chiều với nhiều cách tân nghệ thuật táo bạo”, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp khẳng định: “Nhờ đó, văn học Việt Nam đương đại đa dạng về khuynh hướng và bút pháp, phong phú về phong cách và giọng điệu nghệ thuật”. Văn học đồng hành cùng đất nước tiến lên phía trướcTheo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, văn học 50 năm qua đã đồng hành với dân tộc trong hành trình vượt qua những biến động lịch sử, văn hóa và xã hội. “Sau chiến tranh, văn học đã trở thành nhịp cầu nối liền những vết thương quá khứ, khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước. Từ sử thi thời chiến, chúng ta đã chuyển mình sang cái nhìn thế sự - đời tư, nơi văn học phản ánh sự phức hợp của con người trong một xã hội đổi mới”, ông Điệp nói. Còn nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho rằng: “Văn học thời hậu chiến đã thoát ly khỏi những khuôn mẫu sử thi để tìm kiếm những cách thể hiện mới, mạnh dạn đối diện với những phức tạp của hiện thực”. Ông ví văn học nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước vừa cần mẫn vá lại những vết thương, vừa dìu con người lần hồi tiến về phía trước. Vẫn quá hiếm những đỉnh cao nghệ thuậtPGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nhìn nhận: "Vì sao đã 50 năm trôi qua tính từ 1975, văn học Việt Nam vẫn quá hiếm những đỉnh cao nghệ thuật? Đây là nỗi băn khoăn, trăn trở của rất nhiều bạn đọc". Theo ông, văn học đương đại thiếu tương xứng giữa lượng và chất: Số lượng xuất bản phẩm văn học, cả sáng tác và lý luận, phê bình từ sau 1975 là vô cùng phong phú về chủng loại, nhưng còn khiêm tốn về chất lượng. Đây là một thực tế cần được tìm hiểu, phân tích thấu đáo. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: "Chúng ta chưa tạo được nhiều sản phẩm nghệ thuật ưu tú, những "bách khoa thư" đồ sộ đủ sức tái hiện một cách sinh động số phận và khát vọng của dân tộc trong tính sâu sắc, rộng lớn và kỳ vĩ”. Có lẽ bởi vì, “vẫn còn không ít nhà văn quá say mê với cái tôi riêng tư nhỏ hẹp hoặc chạy theo những thời thượng nghệ thuật mà chưa dấn thân một cách quyết liệt để chạm tới lõi sâu của lịch sử, văn hóa và khát vọng của dân tộc để tạo nên những tác phẩm cao về tư tưởng, sâu về nghệ thuật. Còn quá ít nhà văn đủ sức mở ra những chiều kích mỹ học mới mẻ, hiện đại". PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh: Nhân tố quan trọng nhất quyết định tầm vóc của một nền văn học là tài năng, tâm huyết của người cầm bút. Và đặt ra những câu hỏi lớn: "Vì sao đã 50 năm trôi qua, chúng ta vẫn ít có những kết tinh nghệ thuật xứng tầm kiệt tác? Văn học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ văn học thế giới? Đó là những câu hỏi và cũng là kỳ vọng đặt ra cho tất cả chúng ta, trước hết là cho nhà văn”. Đồng thời cho rằng, một không gian tinh thần rộng mở, một cái nhìn khoáng đạt trong nhìn nhận, đánh giá sẽ giúp cho nhà văn tự do phiêu lưu trong trong sáng tạo nghệ thuật. "Muốn mới, lạ, nhà văn phải vượt lên cái cũ để nhìn nhận đời sống từ mỹ học của cái khác" – PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp nêu nhận định. Nói về tương lai của văn học, GS. Phong Lê mong mỏi có những đổi thay lớn, tương lai văn học nghệ thuật nước nhà đang chuyển sang vai các thế hệ trẻ - là sản phẩm và là chủ thể của chính cái thời chúng ta đang sống hôm nay. Tuy nhiên, vị giáo sư cao tuổi đồng hành cùng văn học nước nhà gần một thế kỷ qua cũng đưa ra dự báo hết sức dè dặt: “Được đồng hành với họ, nếu chưa bị thay thế cũng đã là hạnh phúc lớn! Nhưng tương lai đó như thế nào thì ngay cả dự đoán tôi cũng không dám có”. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|