VIDEO: Trạm biến áp không người trực, phát triển lưới điện thông minh, chuyển đổi số13/06/2021 - 10:13:00 Những năm qua ngành điện đã và đang triển khai mô hình trạm biến áp 110kV không người trực hoặc chỉ 50% người trực, đây là hướng đi tất yếu nhằm tự động hóa hệ thống điện, xây dựng lưới điện thông minh.
Hiện nay, lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh bao gồm 39 tuyến đường dây, trong đó hơn 388km là tài sản của Công ty Điện lực Hải Dương và gần 4.300 km là tài sản của khách hàng. Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế đang quản lý tổng số 13 trạm biến áp 110kV với tổng công suất đặt 1395 MVA. Đề án xây dựng trung tâm điều khiển và triển khai 06 trên 13 trạm biến áp 110kV không người trực đã được Công ty Điện lực Hải Dương đưa vào vận hành từ năm 2019 và phấn đấu trong năm nay 7 trạm biến áp còn lại tiếp tục vận hành theo mô hình này. Tại các trạm 110kV, ứng dụng công nghệ thay thế một số công việc của nhân viên vận hành. Cụ thể, thay vì mô hình truyền thống trước đây có 9 lao động nay chỉ còn 5 người tại mỗi trạm biến áp ở địa bàn xa hoặc 1 nhóm 10 lao động quản lý từ 3 đến 5 trạm biến áp 110kV đã được chuyển đổi điều khiển giám sát từ xa. Với Hệ thống trạm không người trực, yêu cầu phải đảm bảo được thiết bị luôn ổn định trong quá trình vận hành; kết nối với hệ thống SCADA và hệ thống điều khiển xa kết nối về Trung tâm điều độ. Hệ thống máy tính sẽ điều khiển và giám sát hoạt động của các thiết bị. Việc vận hành Trạm biến áp không người trực góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện năng, ứng dụng chuyển đổi số và là hướng đi tất yếu, góp phần tạo ra bước đột phá trong theo dõi, cập nhật tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị tại trạm biến áp; đồng thời giảm lực lượng nhân công quản lý trực tiếp tại các trạm biến áp. Vũ Long
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|