Việt Nam mỗi năm cần từ 28 - 30 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi12/08/2021 - 20:18:00 Về lâu dài cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, trong đó chú trọng các loại cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học để giảm áp lực phụ thuộc nguồn nhập khẩu.
Năm 2020 giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu trong nước tăng 3,75%. Chỉ tính qua 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này đã tăng 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính của việc tăng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi do nguồn cung nguyên liệu trên thế giới sụt giảm từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; các tác động của đại dịch Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng cộng thêm với nguồn cung trong nước còn hạn chế. Để giảm áp lực phụ thuộc nguồn nhập khẩu, bà Đinh Thị Thúy Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, biến động giá thức ăn chăn nuôi trong nước chịu ảnh hưởng từ giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới bởi Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu từ nguồn nước ngoài. “Phát triển của ngành thủy sản đã tạo ra một lượng phụ phẩm lớn nhưng chưa được khai thác. Đây cũng là một nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần được quan tâm hơn trong thời gian tới để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu. Doanh nghiệp cần tối đa hóa nguồn nguyên liệu trong nước và xem xét thay thế được nguồn nhập khẩu, giảm các chi phí sản xuất để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi và giữ được mức độ hợp lý và tận dụng được nguồn nguyên liệu cung ứng từ các địa phương” - bà Đinh Thị Thúy Phương nói. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ cần từ 28 - 30 triệu tấn mỗi năm, trị giá khoảng 13 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình từ 11 - 12% mỗi năm, trong đó, hơn một nửa sản lượng sẽ dành cho ngành chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới rất khó dự báo, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, có thể tiếp tục làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng. “Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản. Theo đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong các giải pháp đó là phát triển các giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm thức ăn chăn nuôi có năng suất và sản lượng cao góp phần giảm thiểu nhập khẩu các nguyên liệu giàu năng lương như ngô và giàu đạm như đỗ tương, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước” - ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết./. Theo VOV
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|