Vốn đầu tư khu vực tư nhân, điểm sáng tăng trưởng kinh tế19/10/2024 - 08:46:00
Điểm nhấn tươi sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm là vốn đầu tư của khu vực tư nhân khá mạnh mẽ, tăng mạnh so với khu vực FDI và Nhà nước" - TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - nhận định khi trao đổi với Báo Lao Động.
Ông đánh giá tăng trưởng GDP trong quý III vừa qua như thế nào? - Trong 9 tháng đầu 2024, nền kinh tế đã tăng trưởng 6,82%, hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái. Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực vẫn là động lực tăng trưởng chính. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn so với dự kiến, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Điều này chính là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ và khả năng cạnh tranh ngày càng cải thiện của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ở phía tổng cung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi, mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm sáng ở khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh lên mức 8,19% so với 2,41% cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào sự phục hồi ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Một điểm nhấn tươi sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng là vốn đầu tư của khu vực tư nhân khá mạnh mẽ, tăng trưởng mạnh so với khu vực FDI và Nhà nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tư nhân đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, với số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường gia tăng đáng kể. Ông có dự báo như thế nào về kịch bản tăng trưởng kinh tế trong quý IV và cả năm 2024? - Cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam trong Quý III và cả thời gian còn lại của năm 2024 và cả sang đầu 2025. Dựa trên nghiên cứu, có hai kịch bản tăng trưởng thấp và cao cho kinh tế Việt Nam. Ở kịch bản cao, tăng trưởng quý IV/2024 sẽ đi ngang với mức 7,4%; kịch bản thấp, tăng trưởng quý IV sẽ dưới mức 7%. Như vậy, với kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng quý IV dưới mức 7%, kết hợp với độ lệch dự báo tăng trưởng của các tổ chức, chúng tôi dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức từ 6,84%. Với kịch bản cao, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt 7%. Cần có những giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới để tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra, thưa ông? - Thứ nhất, cần có sự thận trọng trong việc tiếp tục mở rộng các chính sách tài khóa, đặc biệt là những chính sách miễn, giãn, hoãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng, vẫn cần thiết phải có những cái chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng nên thu hẹp các đối tượng và chính sách. Đơn cử về xuất khẩu, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tỉ trọng gia tăng nội địa của hàng xuất khẩu. Đặc biệt, không phải chỉ cho mỗi thành phần kinh tế tư nhân trong nước mà kể cả đối với chiến lược thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ví dụ, có thể tạo ra sự hấp dẫn hoặc những ưu đãi nhất định đối với các dòng vốn đầu tư nước ngoài liên quan đến công nghệ cao nhưng phải đi kèm với việc sử dụng nhiều giá trị gia tăng nội địa để tránh nhập khẩu đầu vào trong việc sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Hoặc có thể kết hợp giữa việc phát triển dòng vốn đầu tư nước ngoài với công nghiệp phụ trợ gắn với doanh nghiệp trong nước, để nâng cao năng lực tham gia thị trường. Đối với lĩnh vực nông nghiệp vẫn phải tiếp tục có trợ lực vì đây vẫn là ngành có giá trị gia tăng cao nhất trong toàn bộ các chuỗi sản xuất xuất khẩu. Đơn cử với những doanh nghiệp đang chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng, sản xuất mới gắn với chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn thì cần hỗ trợ về cầu tiêu dùng từ phía nội địa. Doanh nghiệp cần sự kết nối với các siêu thị, thị trường trong nước để có đơn đặt hàng bền vững. Xin cảm ơn ông! Theo Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|