Sáng sớm ngày 1/3, mạng xã hội xôn xao thông tin sự việc 4 mẹ con nghi nhảy cầu Đông Trù tại quận Long Biên, Hà Nội. Cư dân mạng lan truyền hình ảnh 4 đôi dép bị bỏ lại trên cầu được cho là của 4 mẹ con. Một lá thư tuyệt mệnh được để lại trong chiếc xe ô tô để lại trên cầu với nội dung nói về áp lực cuộc sống, nên 4 mẹ con quyết định nhảy cầu.
Ngay khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an TP.Hà Nội đã triển khai lực lượng tìm kiếm. Đội Cảnh sát đường thủy số 2 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) cũng đã cử lực lượng phối hợp tìm kiếm.
Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, lãnh đạo UBND phường Thượng Thanh (quận Long Biên) cho biết, người nhà đã phát hiện 4 mẹ con tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong tình trạng khỏe mạnh. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng trở về, dừng công tác tìm kiếm.
Vụ việc này gây xôn xao dư luận, nhiều người đặt câu hỏi, “người mẹ trong vụ việc này, có phải chịu trách nhiệm gì cho việc mình gây ra?”.
Trả lời câu hỏi này, trao đổi với phóng viên VOV.VN, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, pháp luật hiện hành không có các quy định trực tiếp và cụ thể về việc xử phạt đối với các hành vi dàn cảnh giả tự tử như trong vụ việc này. Và đây là “lỗ hổng” pháp lý cần khắc phục.
Bởi, theo luật sư Hùng, thực thế cũng đã có nhiều vụ việc tương tự, khiến cho các cơ quan chức năng phải huy động lực lượng để tìm kiếm, cũng như điều tra, xác minh về vụ việc, gây mất thời gian, công sức của rất nhiều người, tốn kém cho ngân sách Nhà nước, tạo dư luận hoang mang, tiêu cực trong xã hội. Đồng thời, trong quá trình tìm kiếm thì các lực lượng cứu hộ, cứu nạn không chỉ phải gặp những khó khăn, vất vả mà còn có thể phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm thường trực, có thể bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Chính vì vậy, theo luật sư Hùng, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét để bổ sung các quy định xử lý đối với các hành vi tương tự như thế này, bao gồm các chế tài xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả các chi phí cho việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Nếu phát sinh các hậu quả nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường tính răn đe, phòng ngừa các vụ việc tương tự trong tương lai.
Trong vụ việc này, theo luật sư Hùng, người dân cũng cần tránh, không thực hiện các hành vi này, không thể vì chuyện riêng tư, bức xúc của cá nhân mình mà làm ảnh hưởng đến rất nhiều người, thậm chí có thể dẫn đến những vấn đề hoặc thiệt hại đáng tiếc khác.