WHO cảnh báo làn sóng Omicron chuẩn bị ập đến châu Á - Thái Bình Dương03/12/2021 - 19:56:00 WHO kêu gọi châu Á - Thái Bình Dương tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe, tiêm đầy đủ cho người dân để chuẩn bị cho làn sóng COVID-19 mới do Omicron gây ra.
Lần đầu tiên được phát hiện ở miền Nam châu Phi vào tháng 11 và được WHO gọi là "biến thể đáng lo ngại", chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 vẫn đang khiến các nhà khoa học đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ lây lan cũng như diễn biến triệu chứng nặng hay nhẹ. Đến nay, biến thể được ghi nhận xuất hiện ở ít nhất 20 quốc gia và bắt đầu "ghi danh" ở châu Á trong tuần này. Những ca bệnh mới nhất được báo cáo ở Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ. Chính phủ nhiều nước phản ứng bằng cách thắt chặt quy tắc đi lại cả trong và ngoài biên giới. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, "kiểm soát biên giới chỉ có thể giúp kéo dài thời gian, còn mọi quốc gia và cộng đồng vẫn phải chuẩn bị cho những đợt bùng phát mới". Ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến rằng điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị cho những biến thể có khả năng lây truyền cao như Omicron, bằng cách tận dụng các bài học kinh nghiệm từ việc đối phó với biến thể Delta. Ông kêu gọi các quốc gia tiêm phòng đầy đủ cho các nhóm dễ bị tổn thương, thực hiện biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Australia đã trở thành nước mới nhất ghi nhận ca COVID-19 lây nhiễm cộng đồng do biến thể Omicron, bất chấp việc nước này áp đặt biện pháp hạn chế với du khách quốc tế. Trong khi đó, biến thể cũng được báo cáo ở 5 tiểu bang trên khắp nước Mỹ, bao gồm các trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Trong một tín hiệu tích cực, các nhà khoa học WHO cho biết nghiên cứu nhằm tìm ra hiệu quả của vaccine đối với biến thể đang gây lo ngại này có thể có kết quả trong vài ngày tới. Khoảng 450 nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã bắt đầu làm việc nhằm phân lập biến thể Omicron trong phòng thí nghiệm, xác minh trình tự gen của nó và thiết lập các phương pháp liên quan để kiểm tra hiệu quả của vaccine với biến thể, theo nhà nghiên cứu Ana-Maria Henao-Restrepo. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng “chúng ta không nên đặt áp lực về việc phải có kết quả ngay trong ba ngày – nên nói điều đó sẽ xảy ra trong hai tuần tới”. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp các nhà khoa học quyết định xem có cần chỉnh sửa các loại vaccine hiện tại để tăng hiệu quả bảo vệ con người trước Omicron hay không. Điều này sẽ cần xem xét cẩn trọng vì các loại vaccine đang có tỏ ra khá hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta – biến thể “thống trị” các làn sóng COVID-19 trên toàn cầu. Hiện một số nhà sản xuất vaccine đã chuẩn bị cho phương án “nâng cấp” các phiên bản vaccine để đối phó với biến thể mới. Song dù kịch bản nào xảy ra thì một hướng tiếp cận phối hợp toàn cầu vẫn là tốt nhất và WHO sẽ đóng vai trò điều phối giữa các bên, nhà nghiên cứu cho biết.
Theo VTC News
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|