Trong hệ thống di sản tư tưởng, lý luận mà Người để lại, có những luận điểm về xây dựng QĐND cần được quán triệt, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong đó, tư tưởng “người trước, súng sau” là nét độc đáo, đặc sắc, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Tư tưởng “người trước, súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự khái quát sâu sắc mối quan hệ giữa con người và vũ khí, giữa chính trị và quân sự-hai nhân tố căn bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của LLVT nhân dân Việt Nam.

Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị theo tư tưởng "người trước, súng sau" của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ảnh minh họa:qdnd.vn 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong mối quan hệ với vũ khí thì con người giữ vai trò quyết định, đi trước, còn vũ khí là yếu tố quan trọng, cần thiết. Người chỉ rõ: “Vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”. Trong quá trình chuẩn bị, xây dựng LLVT cho nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập, Người khẳng định: Không sợ thiếu vũ khí. Chỉ sợ khi thời cơ đến lại thiếu người cầm vũ khí, việc khẩn cấp bây giờ là phải xây dựng LLVT, đào luyện con người, mở rộng căn cứ địa. Người chỉ rõ: “Dù có bao nhiêu khí giới tinh xảo mà con người không có lập trường vững, quan điểm đúng, thiếu tinh thần trong sạch, một lòng một dạ phục vụ nhân dân thì súng đó cũng bỏ đi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: Phải đào tạo, huấn luyện thế hệ cầm súng có lý tưởng cách mạng, dám “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Người yêu cầu chiến sĩ phải luôn chấp hành kỷ luật nghiêm minh; tinh thần vững chắc; ý chí quyết chiến, quyết thắng; trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung; dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, biết sử dụng thành thạo, linh hoạt các loại vũ khí có trong tay; chăm chỉ học tập và rèn luyện kỹ năng tác chiến.

Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Người cũng nêu rõ tính chất, nhiệm vụ của Đội là “chính trị trọng hơn quân sự”. Tư tưởng đó của Người trở thành đường lối, nguyên tắc chỉ đạo, phương châm hành động xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm nòng cốt, làm cơ sở cho các mặt xây dựng khác, nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố: Trình độ giác ngộ cách mạng, tinh thần chiến đấu, đoàn kết, dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; trình độ kỹ thuật và chiến thuật của cán bộ, chiến sĩ; bản lĩnh lãnh đạo, chỉ huy của cán bộ, trình độ khoa học và nghệ thuật quân sự... Sức mạnh đó là sản phẩm của sự kết hợp giữa con người và vũ khí, chính trị và kỹ thuật, tư tưởng và tổ chức, khoa học quân sự và phương tiện chiến tranh. Trong đó, yếu tố cơ bản nhất, quyết định nhất, làm cơ sở cho việc xây dựng và phát huy các yếu tố khác trong sức mạnh chiến đấu của Quân đội là yếu tố chính trị, tinh thần-yếu tố “suy cho cùng” quyết định thắng lợi trong chiến tranh.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của yếu tố con người, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt; trong đó, coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Thực tiễn gần 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của QĐND Việt Nam đã chứng minh: Dù phải đương đầu với kẻ địch mạnh hơn ta nhiều lần về phương tiện, trang bị và kỹ thuật nhưng nhờ biết chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, khơi dậy tinh thần yêu nước, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; trí tuệ, bản lĩnh, sự sáng tạo, quân và dân ta đã dám đánh, quyết đánh và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trong bài viết "Kỷ niệm thắng lợi Điện Biên Phủ", Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc đầu, địch mạnh hơn ta gấp trăm, gấp ngàn lần về vật chất. Nhưng về tinh thần và chính trị thì ta mạnh hơn địch gấp trăm, gấp ngàn lần. Căn cứ vào thực tế đó, Đảng ta đã nêu khẩu hiệu: Kháng chiến sẽ trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Đảng ta nắm vững chiến lược tất thắng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, nhân dân ta từ Bắc đến Nam đoàn kết một lòng, làm theo lời Đảng. Chiến sĩ ta (Quân đội chính quy và lực lượng du kích) anh dũng phi thường. Nhờ vậy, ta đã chuyển từ không đến có, từ yếu đến mạnh”.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; song, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có bước phát triển mới, yêu cầu cao; bên cạnh thuận lợi là cơ bản, cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức, nhất là những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đến tâm lý, tình cảm, niềm tin và lối sống của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội; các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong thời điểm chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị càng phải được coi trọng, trở thành vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của QĐND Việt Nam, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, trong mọi tình huống. Để vận dụng tư tưởng “Người trước, súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong giai đoạn mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho bộ đội

Với vai trò chủ đạo, đi trước mở đường, tạo sự đồng thuận về nhận thức, nâng cao giác ngộ chính trị, xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính nhân văn và tính dân tộc cho Quân đội cách mạng, nâng cao phẩm chất, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ, công tác giáo dục chính trị phải góp phần trang bị cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cơ bản về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, coi trọng công tác nghiên cứu, biên soạn các nội dung về giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tình đồng chí, đồng đội; giáo dục pháp luật, kỷ luật, đạo đức, lối sống cho quân nhân, nhất là quân nhân trẻ. Quan tâm giáo dục, giải đáp những vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; công tác huy động nhân lực, vật lực của xã hội cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tổ chức, biên chế, trang bị, cách đánh của ta...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp trong quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, hướng dẫn, quy chế, quy định của Đảng, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; từ đó, có chủ trương, phương hướng, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả các nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị sát với từng đối tượng.

Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Trong hoạt động quân sự, quần chúng nhân dân là lực lượng vô địch của cách mạng, nhưng quần chúng chỉ phát huy được sức mạnh khi được giáo dục, giác ngộ và tổ chức; mà người làm công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ và tổ chức quần chúng chính là đội ngũ cán bộ. Cán bộ còn là người “đặt kế hoạch và điều khiển đánh trận”, là hạt nhân chính trị nòng cốt trong hoạt động quân sự. Do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội là vấn đề hết sức quan trọng để nâng cao sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân đội. Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương về công tác cán bộ, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 230 của Quân ủy Trung ương về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 109 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì với xây dựng cấp ủy. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch; có số lượng và cơ cấu hợp lý; khả năng tư duy sáng tạo, năng lực lãnh đạo, chỉ huy giỏi; trình độ, kiến thức chuyên môn ngày càng cao; có uy tín trong tập thể; có sức khỏe và độ tuổi phù hợp, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Ba là, nâng cao chất lượng tuyển quân, tuyển sinh quân sự, chất lượng giáo dục - đào tạo (GDĐT), huấn luyện ở các đơn vị và các học viện, nhà trường Quân đội để cung cấp nguồn lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng Quân đội

Để làm tốt điều đó, trước hết, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự phối hợp, hiệp đồng của các cơ quan, địa phương, đơn vị trong thực hiện công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác tuyển quân theo hướng công bằng và hiệu quả; đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, tuyển sinh hướng nghiệp; làm tốt công tác sơ tuyển, khám tuyển, xét tuyển, kiên quyết không để lọt những công dân không đủ tiêu chuẩn theo quy định vào Quân đội; quan tâm thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội.

Đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện công tác GDĐT ở các học viện, nhà trường Quân đội; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập ở các đơn vị phù hợp với sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới. Trong quá trình thực hiện, cần nghiên cứu, vận dụng tốt các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong GDĐT và huấn luyện; thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Kết hợp giữa GDĐT trong nhà trường với bồi dưỡng tại đơn vị và tự học, tự rèn trong quá trình công tác của cán bộ, chiến sĩ. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả những thành tựu của khoa học-công nghệ hiện đại; tích cực hội nhập quốc tế để phát triển GDĐT và nâng cao chất lượng huấn luyện để hướng đến mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có tư duy đổi mới, nhạy bén, sáng tạo; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khoa học-công nghệ, ngoại ngữ, tin học ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ và ý thức tổ chức kỷ luật cao, làm chủ vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại...

Bốn là, chăm lo xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh

Trong đó, cần coi trọng phát huy tốt dân chủ; xây dựng, bồi đắp chuẩn mực các mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ trên cơ sở tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng và sự giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng, nhiệm vụ, thống nhất lợi ích; đồng thời, quan tâm xây dựng, bồi đắp quan hệ quân dân cá nước... Thường xuyên chăm lo, bảo đảm tốt đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội; tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn, tạo môi trường để cán bộ, chiến sĩ tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện bản thân và góp phần xây dựng, bồi đắp chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng trong tình hình mới. Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa quân sự gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới gắn với thực hiện Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Đồng thời, cần chăm lo xây dựng chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng phù hợp với sự phát triển của Quân đội và xã hội.

Năm là, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút và trọng dụng nhân tài cống hiến cho Quân đội

Trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, việc thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân tài lĩnh vực quân sự là đòi hỏi khách quan và là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, cấp thiết, nhằm xây dựng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để làm tốt điều đó, một mặt, cần nâng cao chất lượng đào tạo của các học viện, nhà trường Quân đội; mặt khác, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tuyển dụng những công dân có kiến thức, tài năng, chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng vào cống hiến cho Quân đội; đồng thời cần xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, bố trí sử dụng đúng người, đúng việc và có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, thỏa đáng để thu hút nhân tài phục vụ lâu dài trong Quân đội; thực hiện tốt việc đào tạo với sử dụng cán bộ, mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ có tài năng vào các vị trí phù hợp với sở trường và thiên hướng phát triển.

Sáu là, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; âm mưu “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội bằng các hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội... với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, khó nhận diện. Bên cạnh chiêu bài về “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, các thế lực thù địch, phản động còn lợi dụng sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để kích động, xuyên tạc, tạo dư luận xấu, gây mất đoàn kết nội bộ, làm giảm niềm tin của nhân dân và LLVT vào Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Sự xâm nhập của lối sống thực dụng, phản văn hóa cùng với những hiện tượng tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường tác động không nhỏ đến nhận thức, tư tưởng, lối sống, nhân cách quân nhân... 

Do đó, để ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội, trước hết, cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; thường xuyên nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Trung tướng NGUYỄN QUỐC TUẤN, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị