Xây dựng thương hiệu giúp ngành thủy sản tận dụng hiệu quả các FTA26/10/2024 - 08:11:00 Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản đến hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 thị trường "tỷ đô" và đây đều là những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với nước ta. Để tận dụng tốt hơn nữa các FTA, ngành thủy sản và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu.
Nhờ EVFTA, xuất khẩu thủy sản của Cà Mau tăng gấp 3 lần Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng khoảng 8,5% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng bứt phá, trong đó tôm mang về giá trị xuất khẩu cao nhất với 2,8 tỷ USD, tiếp đến là cá tra với 1,46 tỷ USD. Dự báo, năm 2024, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023. Theo VASEP, hiện Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản đến hơn 160 thị trường, trong đó có 3 thị trường "tỷ đô" và đây đều là những thị trường mà Việt Nam có các FTA song phương và đa phương. Cụ thể, khu vực thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiếm khoảng 25% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tiếp đến là thị trường châu Âu với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chiếm khoảng 10%. Thị trường Hàn Quốc với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chiếm khoảng 9%. Đến nay Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Thủy sản, cho biết, thời gian qua các FTA đã tạo chuyển biến rất tích cực đối với toàn bộ hoạt động ngành thủy sản. Để tuân thủ được quy định trong các FTA về bảo tồn, bảo vệ đa dạng các hệ sinh thái; khai thác sử dụng hợp lý các nguồn lợi thủy sản; phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, ngành thủy sản đã tập trung vào việc nâng cao năng lực về quản trị trên toàn chuỗi giá trị. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm và đặc biệt là bảo đảm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản. Bên cạnh đó, việc tham gia các FTA thế hệ mới cũng tạo động lực đẩy nhanh hiện đại hóa ngành thủy sản, thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến và đầu tư khép kín chuỗi sản xuất... Đối với các địa phương có thế mạnh về nuôi trồng, sản xuất thủy sản, các FTA cũng đã tạo ra tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Sở Công Thương Cà Mau cho biết, tỉnh xác định nuôi trồng, khai thác thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn và những năm qua, xuất khẩu thủy sản chiếm 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Từ khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Cà Mau tăng gấp 3 lần, đây là dấu hiệu rất tích cực mà các FTA mang lại. Sớm hình thành hệ sinh thái FTA Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các FTA. Để tận dụng tốt hơn nữa các ưu đãi từ FTA, Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, ngoài vấn đề đầu vào, con giống, đơn hàng, thông tin thị trường… thì xây dựng thương hiệu là việc doanh nghiệp và cả ngành thủy sản phải chú trọng, nỗ lực đẩy mạnh. Theo ông Nam, câu chuyện xây dựng thương hiệu sẽ gắn với quyết định mua hàng của nhà bán lẻ hay chi phối và quyết định nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng. Thực tế, người tiêu dùng thường mua hàng hóa có thương hiệu để biết được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Do đó, ngành thủy sản phải tiếp tục nỗ lực xây dựng thương hiệu từ trong chuỗi sản xuất, xuất khẩu, từ người nuôi trồng, đến chế biến, xuất khẩu… Tuy nhiên, việc này không thể làm trong ngày một ngày hai, mà cần có quá trình, do đó rất cần sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương, ông Nam đề xuất. Khi tham gia FTA có nhiều thách thức cần giải quyết, nhưng có những việc bộ, ngành, doanh nghiệp không thể tự giải quyết một mình mà cần một hệ sinh thái, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nói. Ông cho biết, Bộ Công Thương đang được giao thực hiện xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA. Trong hệ sinh thái FTA này có hai cấu phần cơ quan quản lý và cấu phần doanh nghiệp - đây là "linh hồn" vận hành các ý tưởng, kế hoạch. Bộ đang lấy ý kiến các chủ thể, doanh nghiệp, địa phương để xem tính khả thi và những vấn đề nào cần triển khai. Trước mắt, Bộ sẽ làm thí điểm ở một số khu vực, ngành hàng; nếu mô hình thành công thì việc xử lý những khó khăn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Liên quan đến việc thành lập hệ sinh thái FTA cho các ngành hàng, trong đó có thủy sản, đại diện VASEP cho biết rất đồng tình ủng hộ và sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng mô hình này, góp phần sớm giải quyết dứt điểm những bài toán khó khăn của ngành. Các địa phương, doanh nghiệp thủy sản cũng mong muốn hệ sinh thái FTA này sớm vận hành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam. Theo ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|