Xử lý môi trường sau bão: Ngăn chặn nguồn gây bệnh để tránh dịch chồng dịch18/09/2024 - 14:13:00 Sau một tuần bão đổ bộ vào nước ta, hậu quả về môi trường mà bão số 3 (bão Yagi) để lại vẫn vô cùng nặng nề, trong đó có tình trạng ô nhiễm cao tại những nơi ngập úng, lũ quét... nếu không xử lý kịp thời sẽ dễ phát sinh dịch bệnh.
Huy động toàn lực xử lý môi trường Hơn một tuần sau khi bão số 3 đổ bộ, nhiều địa phương đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường diện rộng sau bão khi nước bắt đầu rút. Đặc biệt tại các địa phương Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội,… những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão. Việc gia súc, gia cầm nhiều nơi chết hàng loạt, có trang trại chết hàng nghìn con gà, vịt, lợn, rồi bùn đất, các vật dụng ngâm trong nước lâu ngày bốc mùi gây khó chịu, môi trường ô nhiễm ảnh hưởng lớn cuộc sống người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của việc dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, các địa phương đã gấp rút ra quân để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tại Hưng Yên, sáng 15/9, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với thành phố Hưng Yên tổ chức Lễ phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên Nguyễn Bật Khánh cho biết, bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, cây cối, môi trường và gây ra ngập úng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Theo ông Nguyễn Bật Khánh, thời điểm nước rút cũng chính là lúc người dân trong tỉnh phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải còn tồn đọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và thành phố Hưng Yên phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3, qua đó kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức thành viên, hộ gia đình và nhân dân cùng tham gia dọn dẹp, thu dọn cây gãy, đổ; khơi thông cống, rãnh, kênh mương; thu gom rác thải, phun khử trùng phòng, chống dịch bệnh... Tại thành phố Hà Nội, bắt đầu từ sáng 14/9, theo chỉ đạo của UBND Thành phố, tất cả các địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội tiến hành ra quân tổng vệ sinh môi trường nhằm khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Xử lý môi trường sau bão số 3 là thách thức lớn vì tình hình mưa nắng thất thường.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, về cơ bản các địa phương ý thức cao trong việc làm sạch môi trường, nước rút đến đâu vệ sinh đến đó nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão, lũ Mặc dù các địa phương đã có ý thức cao để xử lý môi trường, sớm đưa cuộc sống trở lại. Tuy nhiên, nguy cơ ô nhiễm môi trường diện rộng, nguy cơ nhiều dịch bệnh bùng phát sau bão, lũ vẫn rất lớn. Đặc biệt, tình trạng mưa nắng thất thường, thời tiết biến đổi lớn trong một ngày khiến cho công việc xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn. Trong khi hậu quả về môi trường do bão số 3 để lại chưa được xử lý xong thì nhiều ngày qua, Hà Nội và một số tỉnh ở miền Bắc tiếp tục xảy ra mưa lớn cục bộ. Đơn cử, rạng sáng 16/9, Hà Nội đã mưa nhiều nơi gây ngập úng nhiều tuyến phố. Anh Đoàn Quang Huy ở Thanh Xuân cho biết, việc mưa ngập úng diễn ra liên tục, sau bão cây cối ngã đổ vừa dọn xong thì nay mưa lớn ngập cục bộ. “Việc xử lý môi trường rất quan trọng, tuy nhiên thời tiết thất thường, nắng gắt, mưa lớn xen kẽ khiến cho công việc trở nên khó khăn” – anh Đoàn Quang Huy chia sẻ. Không chỉ tại Hà Nội, hiện nhiều nơi tình trạng ngập úng vẫn còn xảy ra cục bộ, nước rút nhưng xác động vật trôi nổi trên sông, ao hồ vẫn còn. Việc xử lý không thể ngày một ngày hai là xong. “Bài toán môi trường cần thiết phải tính dài hơn, không chỉ ra quân một hai ngày là sạch sẽ” – anh Đoàn Quang Huy bày tỏ quan điểm. Trong khi bài toán môi trường đang là một thách thức lớn sau bão số 3, thì tình hình dịch bệnh cũng đang có những diễn biến phức tạp. Trong tuần qua (6/9 đến 13/9), thành phố ghi nhận 227 ca Sốt xuất huyết, tăng 37 trường hợp so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 27 quận, huyện, thị xã. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, nhận định, đánh giá dịch Sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hàng năm (tháng 9 đến tháng 11), với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh. Đồng thời, kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc Sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Bên cạnh sốt xuất huyết, bác sĩ Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai lo ngại, với lượng mưa lớn gây ngập lụt, đem theo chất bẩn, độc hại, môi trường ô nhiễm là nguyên nhân gây các bệnh truyền nhiễm tại mắt, trong đó bệnh viêm kết mạc là phổ biến, có thể bùng phát thành dịch sau lũ. Viêm kết mạc sẽ gia tăng ở cộng đồng thiếu nước sạch, lứa tuổi dễ mắc các bệnh mắt thuộc 2 nhóm là trẻ em dưới 15 tuổi và người lớn trên 60 tuổi, bệnh rất dễ lây, có thể thành các vụ dịch lớn. Cũng liên quan đến vấn đề này, Cục Y tế dự phòng đã đưa ra cảnh báo tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... Có thể thấy, môi trường ô nhiễm, tiềm ẩn dịch bệnh lây lan là bài toán khó cần phải đặt ra cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Để tránh bị “thiên tai kép” cần thiết có sự chung tay của toàn xã hội trong việc xử lý môi trường, phòng bệnh nhằm hạn chế dịch chồng dịch.
Theo Nhà báo & Công luận
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|