Đây là một trong những nội dung tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP “Quy định xử phạt hành chính về xây dựng” được ban hành mới đây. Tại nghị định này, đã bổ sung hàng loạt hành vi vi phạm của môi giới bất động sản và các mức phạt hành chính mới được đưa ra đều tăng hơn nhiều lần so với trước đây.
Tước chứng chỉ môi giới, đình chỉ sàn giao dịch
Tại điều 59 “Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ BĐS”, phạt từ 40 – 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS làm sai lệch nội dung chứng chỉ; cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới BĐS; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS.
Phạt từ 120 – 160 triệu đồng đối với một trong các hành vi kinh doanh dịch vụ BĐS mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS không được lập thành văn bản hoặc không đầy đủ các nội dung chính theo quy định;
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới, dịch vụ, giao dịch BĐS hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;
Sàn giao dịch BĐS không có quy chế hoạt động hoặc hoạt động sai quy chế được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc hoạt động không có tên, địa chỉ theo quy định hoặc thay đổi tên, địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định; thu các loại phí kinh doanh dịch vụ bất động sản mà pháp luật không quy định.
Đối với hành vi BĐS được đưa lên sàn giao dịch BĐS nhưng không đủ điều kiện theo quy định; không cung cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về BĐS mà mình môi giới thì bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định về hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 3-6 tháng đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 điều này.
Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS từ 6-9 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 điều này.
Cũng theo nghị định này, Điều 60 “Vi phạm quản lý, ứng dụng, công khai thông tin nhà và thị trường BĐS” quy định phạt từ 60 – 80 triệu đồng đối với những hành vi không cung cấp, cung cấp không chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn kê khai BĐS cho cơ quan quản lý thông tin về nhà ở và thị trường BĐS theo quy định; cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS của cơ quan nhà nước mà không được sự cho phép của cơ quan quản lý hệ thống thông tin BĐS.
Ngoài ra nghị định cũng quy định xử phạt vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS với mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng.
Cần chuẩn hóa nghề môi giới bất động sản
Thời gian qua, việc quản lý hoạt động của môi giới bất động sản được đánh giá là còn nhiều bất cập, kẽ hở. Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn chứng kiến không ít đợt sốt nóng giá đất nền tại các địa phương. Cùng với đó, cứ mỗi khi một khu vực có thông tin giá đất rục rịch tăng “chỉ sau một đêm” hàng chục sàn, trung tâm môi giới bất động sản mọc lên.
Điều đặc biệt, các sàn hay trung tâm môi giới bất động sản này đều hoạt động “ngoài luồng” tức không đảm bảo các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, môi giới bất động sản. Đơn cử như tại Hạ Long, thông từ Công an tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn này có tới 30 sàn giao dịch và 80 doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản hoạt động “chui”.
Trong khi đó, về lực lượng môi giới, thống kê của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy cả nước có gần 75.000 nhân viên môi giới nhà đất, nhân viên môi giới tự do, có đến 90% không có kiến thức căn bản của người làm môi giới. Ước tính hiện chỉ 10% số môi giới bất động sản có chứng chỉ hành nghề.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng vì chưa chuyên nghiệp, một bộ phận môi giới bất động sản vẫn bị sa đà vào những hành vi chưa chuẩn mực như có hành vi găm đất, thổi giá tạo sốt ảo gây lũng loạn thị trường, nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng, gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính.
Trên cương vị doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Đại Phúc Land, cũng ghi nhận hiện tượng các môi giới tha hóa, nguồn nhân lực tay ngang, chớp nhoáng. Điều này đã dần tới hệ lụy là những cò đất thổi giá, tạo sốt ảo, gây lũng loạn thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, ngoài các quy đinh xử phạt, cần một nền tảng, một quy chuẩn chung của toàn thị trường để nhân sự gia nhập vào lĩnh vực tư vấn bất động sản có thể đạt được những tiêu chí cơ bản đó; đồng thời thể hiện được chất lượng nhân lực xứng tầm với giá trị của sản phẩm bất động sản.
Bên cạnh đó, những quy chuẩn, quy tắc trên sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề tiêu cực, đồng thời tránh trường hợp người tư vấn nhận thức được những điều không đúng, không tốt cho khách hàng nhưng vẫn bỏ qua vì lợi ích trong bán hàng.