Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN) |
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5 năm 2021 ước đạt 750 nghìn tấn với giá trị đạt 406 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 2,7 triệu tấn với giá trị 1,48 tỷ USD, giảm 11,3% về khối lượng và giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2021 đạt 543 USD/tấn, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 với 35,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 715,7 nghìn tấn và 381,4 triệu USD, giảm 20,7% về khối lượng và giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh, như: Bangladesh (gấp 362,6 lần) và Ghana (tăng 104,5%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Indonesia (giảm 71,1%).
Về chủng loại xuất khẩu, ước tính giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 41,4% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,7%; gạo nếp chiếm 18,3%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 2,5%; các loại gạo khác chiếm 0,1%.
Trên thị trường thế giới, trong tháng 5/2021, giá gạo Việt Nam đạt 493 USD/tấn vào đầu tháng và giữ nguyên mức này. Hiện nay nhu cầu mua của các thương nhân nước ngoài không lớn và đang chờ đợi vụ thu hoạch Hè Thu. Trong khi đó, giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 374 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã tăng nhẹ vào gần cuối tháng với mức khoảng 382 USD/tấn. Dịch COVID-19 đang khiến cho Ấn Độ rơi vào khủng hoảng lớn, hoạt động logistics bị đình trệ góp phần khiến cho giá gạo trở nên bất ổn, bất chấp việc chính phủ nước này đang cố gắng mở kho dự trữ để cung ứng lương thực tốt hơn cho người dân bị ảnh hưởng.
Giá gạo Thái Lan đạt mức 480 USD/tấn vào đầu tháng và giảm xuống 465 USD/tấn vào gần cuối tháng. Nguyên nhân chính là do nhu cầu của thương nhân nước ngoài đối với gạo Thái Lan đang rất thấp, trong khi nguồn cung nội địa khá dồi dào.
Tại thị trường trong nước, giá lúa Đông Xuân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng, giảm không đồng nhất giữa các địa phương, nguồn cung cuối vụ ở mức thấp. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 từ mức 5.900 đ/kg vào cuối tháng 4, tăng lên 6.200 đồng/kg vào khoảng giữa tháng 5, sau đó giảm xuống còn 6.000 đồng/kg; lúa OM 2514 giảm 100 đồng/kg xuống còn 6.100 đồng/kg; gạo thường có giá 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 15.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ổn định ở mức 6.800 – 6.900 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 100 đồng/kg lên 6.900 – 7.000 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg lên 7.100 – 7.200 đồng/kg,…
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản xuất gạo tại Bangladesh dự báo tăng 3,5%, lên 35,8 triệu tấn trong niên vụ kết thúc vào tháng 4 vừa qua do diện tích và năng suất đều tăng.
Trong thời gian tới, triển vọng nhu cầu của thị trường vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước ta dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn 20 USD/tấn so với giá gạo Thái Lan và hơn 100 USD/tấn so với gạo Ấn Độ./.