Xuất khẩu gạo xác lập kỷ lục với doanh thu 4 tỷ USD30/10/2023 - 15:25:00 Với sản lượng xuất khẩu 7,18 triệu tấn sau 10 tháng 2023, ngành gạo mang về doanh thu xấp xỉ 4 tỷ USD, thiết lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.
Được hưởng lợi từ sự biến động của thị trường lúa gạo, khi các quốc gia xuất khẩu lớn siết chặt hoạt động xuất khẩu, ngành lúa gạo trong nước đã tận dụng tối đa cơ hội này để tăng tốc xuất khẩu và thu về kết quà ấn tượng. Số liệu của Tộng cục Thống kê, tháng 10/2023, xuất khẩu gạo đạt 700.000 tấn, trị giá 433 triệu USD, giảm 1,8% về lượng nhưng tăng 27%% về trị giá so với tháng 10/2022. Lũy kế 10 tháng, toàn ngành lúa gạo đã xuất khẩu 7,18 triệu tấn sau 10 tháng 2023, doanh thu xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng lần lượt 17% và 34,9% về trị giá so với cùng kỳ. Với doanh thu xấp xỉ 4 tỷ USD đã đánh dấu kỷ lục về thu ngoại tệ của ngành gạo. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi các thị trường đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,… Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 643 USD/tấn; cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 79 USD/tấn và 80 USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 628 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 106 USD/tấn và 140 USD/tấn. Từ đầu năm đến nay, ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Số liệu 9 tháng ghi nhận, xuất khẩu gạo sang ASEAN đạt 3,82 triệu tấn, tăng 28%; Trung Quốc đạt 859 nghìn tấn, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, lượng gạo xuất sang 2 thị trường đạt 4,68 triệu tấn, chiếm 73% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 - 8 triệu tấn gạo trong năm 2023. Dự báo, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi) trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan hạn chế. Để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân đảm bảo: tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả. Theo Báo Đầu tư
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|