Xuất khẩu rau quả: Tiềm năng từ thị trường tỷ dân09/12/2024 - 15:18:00 Mục tiêu đề ra của Bộ NNPTNT cho ngành hàng rau quả trong năm nay là giá trị xuất khẩu ước đạt từ 6 - 6,5 tỷ USD. Thế nhưng đến thời điểm này, thống kê từ ngành hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng đã đạt khoảng 6,6 tỷ USD.
Xuất khẩu rau quả tự tin lập kỷ lục 7,2 tỷ USD Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11/2024 đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2024 lên 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023… Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 66,5% thị phần, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023. 2 thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Mỹ và Hàn Quốc có thị phần lần lượt là 4,7% và 4,3%. Đáng chú ý, sầu riêng tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của nhóm hàng rau quả. Cập nhật mới nhất, mặt hàng sầu riêng đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành rau quả, chiếm 49,11% tổng kim ngạch. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng khả quan, trong đó khai thác tốt nhiều thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, UAE. Đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả phải kể đến sản phẩm sầu riêng với thị trường chủ lực là Trung Quốc. Ông Nguyên cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn với dân số 1,4 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý khi các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối phía Trung Quốc nên rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics so các nước khác. Các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng của Việt Nam. Hơn nữa, xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn có lợi thế về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà 2 nước cùng là thành viên. Đẩy mạnh sản phẩm rau quả chế biến Dự báo xuất khẩu rau quả trong tháng 12 và các tháng tiếp theo, ông Nguyên cho hay, trong tháng 12/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ vẫn khả quan do yếu tố mùa vụ. Mặc dù sầu riêng chính vụ đã kết thúc, nhưng Việt Nam vẫn còn hàng trái vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao dịp cuối năm. Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group Nguyễn Phong Phú cho biết, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả và trái cây đang đứng trước thời cơ lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Với việc chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, cánh cửa thị trường lớn đã mở ra cho 2 loại mặt hàng chủ lực của ngành rau quả. Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri cũng cho biết, hiện nay nhu cầu rau quả từ Việt Nam của thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Nhiều rau quả vụ đông của miền Bắc Việt Nam được tìm kiếm, mong muốn nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các loại rau quả này vẫn chưa được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, nên quá trình đàm phán với đối tác và triển khai xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện được. “Do đó, chúng ta cần ký kết thêm các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng rau quả khác để phát huy hết lợi thế của Việt Nam với thị trường rộng lớn như Trung Quốc” - bà Thực khuyến nghị. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|