Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng02/09/2024 - 23:30:00 Với những yếu tố thuận lợi cũng như những kết quả tăng trưởng tích cực của kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng qua, Bộ Công thương dự báo, 2024 là năm có nhiều cơ hội hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam phục hồi nhanh.
Ấn tượng của ngành rau quả Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Đáng chú ý, trong 7 tháng, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước gần 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,35 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 0,6%). Nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 21,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 30,9%; gạo tăng 25,1%; chè các loại tăng 34,8%; rau quả tăng 24,3%; nhân điều tăng 22,1%... Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, nhất là các thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong 7 tháng đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 66,09 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 7,2%; thị trường EU ước đạt 29,34 tỷ USD, tăng 15,8%; Hàn Quốc ước đạt 14,39 tỷ USD, tăng 9%; Nhật Bản ước 13,46 tỷ USD, tăng 2,8%. Trong số các nhóm hàng xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, ngành nông nghiệp có khởi đầu khá tốt khi duy trì được mức tăng trưởng ổn định, nhất là khi sản xuất nông nghiệp được cả mùa lẫn giá. Sự tăng trưởng đều đặn ở mức hai con số đã giúp xuất khẩu rau quả Việt liên tục lập những kỳ tích mới. 7 tháng xuất khẩu rau quả đã đạt 3,83 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam (trừ Hà Lan), mặt hàng này đều có sự tăng trưởng với hai con số. Đặc biệt khi mới đây, Hàn Quốc đã đồng ý nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam. Trong khi đó, trái sầu riêng bắt đầu bước vào chính vụ... Với những động lực và đà tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam được dự báo có khả năng đạt tới kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay. Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thống kê, trong nửa đầu năm 2024, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là những thị trường dẫn đầu về xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Mức tăng của các thị trường này dao động từ 20-60% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu cả về tổng giá trị lẫn tốc độ tăng trưởng. Hiện Việt Nam xuất khẩu chính ngạch hơn 10 loại trái cây vào thị trường Trung Quốc, gồm: dưa hấu, măng cụt, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít. Chưa hết, hiện rau quả Việt Nam còn có sức tăng mạnh mẽ tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Đơn hàng gia tăng - cơ hội để bứt tốc về đích Với khí hậu thuận lợi, thổ nhưỡng đa dạng, Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất các loại rau, quả. Trong nhóm ngành nông sản, rau quả là một trong những ngành hàng có bứt phá mạnh về năng lực sản xuất trong 5 năm trở lại đây, ngày càng mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng. Cùng với tiến bộ khoa học công nghệ, các loại rau, quả trái mùa cũng có thể trồng và thu hoạch được, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng có xu hướng tăng. Bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả ngày càng được mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á. Trong tương lai, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics so với các thị trường như: EU, Mỹ… Với thị trường Thái Lan, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Thái Lan không chỉ là quốc gia nông sản hàng đầu thế giới mà còn là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả. Hiện Thái Lan đang chi tiền lớn để mua nông sản Việt Nam. Theo ông Nguyên, những mặt hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Thái Lan gồm có: Sầu riêng đông lạnh, tiếp đến là nhãn, thanh long, vải… Đánh giá về kết quả đạt được cũng như dự báo xuất khẩu trái cây trong thời gian tới, ở góc độ DN, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group chia sẻ, nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ liên tục, nên xuất khẩu trái cây của doanh nghiệp tăng trưởng khá ấn tượng trong nửa đầu năm. Trong đó, nhiều loại trái cây thâm nhập vào các thị trường mới như Trung Đông, Australia, New Zealand… “Vina T&T đã đưa được trái sầu riêng cấp đông vào thị trường Mỹ và xuất khẩu vải thiều sang Thái Lan. Với mặt hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc, đơn hàng của doanh nghiệp tăng đột biến, dự kiến xuất khẩu 2.500 tấn sầu riêng tươi trong năm nay. Nhờ đó, trong nửa đầu năm, doanh thu của chúng tôi tăng trưởng đến hai con số so với cùng kỳ năm ngoái” - ông Tùng chia sẻ. Cùng với ngành rau quả, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam lũy kế 7 tháng đầu năm 2024 đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 1,33 tỷ USD. Tháng 7/2024 là tháng đầu tiên trong năm đạt kim ngạch xuất khẩu dệt may vượt mốc 4 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, đến thời điểm này, hầu hết DN ngành dệt may đã có đủ đơn hàng sản xuất hết quý III/2024 và đang tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024, mùa cao điểm sản xuất các đơn hàng dịp Noel và Tết Nguyên đán. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng từ 8 - 10% so với năm 2023. Không chỉ dệt may, các ngành khác như da giày, thủy sản cũng đặt nhiều kỳ vọng bứt phá trong năm 2024. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm, thủy sản có thể cán đích khoảng 4,4 tỷ USD, toàn ngành phấn đấu cả năm là 10 tỷ USD. Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong các tháng cuối năm, ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần có thêm trợ lực cho doanh nghiệp. Theo đó, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng nửa cuối năm thường là giai đoạn cầu thị trường tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 31,68 tỷ USD/tháng. Nếu duy trì được xu thế này trong nửa cuối năm 2024, tổng kim ngạch XK hàng hóa năm nay ước đạt 380,16 tỷ USD, vượt mốc lịch sử 371,82 tỷ USD của năm 2022. Cũng theo ông Lâm, chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa, định hình lại chuỗi cung ứng và căng thẳng thương mại gia tăng. Để phát huy tối đa lợi thế này, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Duy trì “phong độ” xuất siêu 7 tháng năm 2024 toàn ngành nông nghiệp đã xuất siêu nông sản đạt 9,42 tỷ USD. Kết quả này phản ánh việc chúng ta đã biết tận dụng tốt các cơ hội trên thị trường quốc tế để phát huy thế mạnh xuất khẩu của nông sản Việt Nam; nhất là khi chúng ta tận dụng được cơ hội trong bối cảnh những khó khăn về logistic, vận chuyển ở trên thị trường thế giới đi cùng với việc phát huy lợi thế từ các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines. Để tiếp tục duy trì “phong độ” cũng như gia tăng giá trị xuất siêu nông sản trong các tháng tiếp theo, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục phát huy thế mạnh của từng ngành hàng, tiếp tục mở rộng thị trường cũng như đẩy mạnh sản xuất ở trong nước để gia tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản nhằm đạt giá trị xuất khẩu cao. Việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu là một yêu cầu bắt buộc, không thể khác để chúng ta có sản phẩm đi vào thị trường thế giới. Đây là những yếu tố thúc đẩy xuất khẩu và đây chính là “đầu kéo” cho sản xuất. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương): Củng cố thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới Hiện nay, nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh... Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới sẽ linh hoạt, đổi mới, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số. Nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ Công thương sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung củng cố các thị trường lớn truyền thống; mở rộng các thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường tiềm năng và điều tra chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam... Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|