Xuất khẩu thủy sản "sáng cửa" đạt mục tiêu 10 tỉ USD năm 202417/10/2024 - 14:57:00
Chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 gây ra nhưng ngành thủy sản vẫn "sáng cửa" hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2024. Dù vậy, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt xu hướng, mở rộng thị trường để không bị phụ thuộc.
Vẫn còn thách thức Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10 tỉ USD, tăng 3% so với 2023. Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 7,2 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy mục tiêu xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024 hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, do ảnh hưởng cơn bão số 3 (bão Yagi), mục tiêu xuất khẩu thủy sản trong năm 2024 đã trở nên khó khăn hơn. Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thống kê chưa đầy đủ có khoảng 19.956 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 4.246 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan xuất xứ hàng hóa, cước phí vận tải, chứng nhận nuôi trồng trên biển hay chi phí nhiên liệu tăng cao đã và đang đặt ra thách thức với ngành thủy sản nói chung, và các doanh nghiệp thủy sản nói riêng. Trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Quý Việt - Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa - nhận định, một trong những khó khăn của các doanh nghiệp thủy sản hiện nay là xuất xứ hàng hóa, nguồn gốc thủy sản. "Tại Việt Nam, phần lớn các đơn vị đánh bắt chỉ mang tính nhỏ lẻ, tàu bè phương tiện chưa đầy đủ các giấy phép. Điều này khiến việc cung cấp nguồn gốc xuất xứ cho đơn vị xuất khẩu gần như không có. Đồng thời, các sản phẩm thủy hải sản nuôi trồng ngoài biển còn mắc kẹt do chưa được cấp giấy phép, chứng nhận nuôi trồng trên biển. Về thị trường xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu vẫn tồn đọng hai khó khăn chính là IUU và cước phí vận tải không ổn định. Khó khăn còn do các quy định về công tác đánh bắt của Việt Nam, chi phí nguyên liệu cao lên..." - ông Việt nói. Doanh nghiệp cần chủ động, thích nghi và đa dạng hóa thị trường Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, để đạt mục tiêu xuất khẩu gần 10 tỉ USD trong năm nay, các doanh nghiệp thủy sản phải thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường; đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Để đạt mục tiêu năm 2024 và hướng đến giữ vững đà tăng đến cuối năm, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc về quy định, giấy phép, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư Ký Hiệp hội Thủy Sản (VASEP) - cho rằng, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc nuôi, xuất khẩu thủy sản. "Các doanh nghiệp cần chú ý tới một số rào cản trong xuất khẩu thủy sản như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại Mỹ. Khi áp cho các nước xuất khẩu tôm lớn làm mức độ cạnh tranh trở nên gay gắt hơn giữa các nước. Từ đó khiến xuất khẩu tôm bị ảnh hưởng hoặc tăng tốc phụ thuộc vào mức thuế áp cho Việt Nam. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết bất thường của năm 2024 có thể tác động tiêu cực đến nuôi cá, tôm trong giai đoạn này tác động lên nguyên liệu. Đặc biệt, các vướng mắc liên quan đến khai thác thủy sản, hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU), bảo vệ nguồn lợi chậm tháo gỡ cũng có thể tác động đến nguyên liệu cho chế biến" - ông Hòe chia sẻ. Theo ông Hòe, các thị trường chính, đặc biệt thị trường Mỹ sẽ phục hồi nhu cầu cho mục tiêu thụ cuối năm, thị trường Trung Quốc sau gói kích thích kinh tế sẽ tăng nhu cầu phục vụ Tết, hay Nhật Bản cũng ổn định. Theo Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|